Mở đầu cho bài nhận định của mình AFC cho rằng, cả hai đội U-23 Uzbekistan và U-23 Việt Nam có mặt ở trận chung kết đều là những bất ngờ và đều là lần đầu tiên. Ai trong số những “nhân vật” này sẽ là “chìa khóa” đưa đội lên ngôi vô địch?
Uzbekistan có tuyến giữa rất ấn tượng
+ Cả nước Việt Nam “dồn mắt” vào Quang Hải: Anh là cầu thủ đang dẫn đầu danh sách dội bom của U-23 Việt Nam. Nếu như trong số 10 bàn thắng của giải được ghi ngoài vùng cấm thì Quang Hải đã là tác giả của ba bàn. Một thông số đáng giật mình của cầu thủ mang áo số 19 Việt Nam. Quang Hải là một tay săn bàn tài năng và độ nhạy rất cao của giải này.
Quang Hải lại tiếp tục ghi bàn?
+ Cầu thủ “làm bóng”: AFC cho rằng không ai ấn tượng như tiền vệ Dostonbek Khamadov. Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất châu Á 2015 này thực hiện và tạo ra 11 cơ hội ngon ăn cho đồng đội qua năm trận. Về thông số này thì chỉ có Lee Keun-ho của Hàn Quốc sánh kịp.
Khammadov (17) - vua chuyền bóng
+ “Vua hòa” là U-23 Việt Nam: Kể từ khi đánh bại Úc 1-0 thì U-23 Việt Nam trở thành “vua hòa” ở thời gian thi đấu chính thức lẫn sang hai hiệp phụ. Hòa Syria (vòng bảng), hòa Iraq 3-3 ở 120 phút thi đấu tứ kết, hòa Qatar 2-2 qua 120 phút. Còn với Uzbekistan thì ngược lại, họ chưa có một trận hòa nào.
Người hâm mộ VN... thót tim nhiều nhất vì số trận hòa
+ “Ông vua giữa sân”: AFC chỉ đích danh là “Little boy” Sidikov (số 10) cầu thủ rất nhỏ con, chỉ đứng tới ngực đồng đội. Sidikov và Khamadov là hai tiền vệ trung tâm của Uzbekistan chơi rất ấn tượng qua năm năm rồi. Riêng Sidikov thực hiện ba đường chuyền dọn cỗ cho đồng đội ăn bàn.
Sidikov (10) là ông vua giữa sân
+ Cầu thủ có thần kinh vững: AFC nêu tên Vũ Văn Thanh vì Thanh là người sút thắng quả phạt đền sau cùng trong trận đánh bại Qatar ở loạt luân lưu. Văn Thanh cũng sút gọn gàng từ chấm 11 m trong loạt luân lưu Việt Nam thắng Iraq ở tứ kết.
Văn Thanh, người sút thắng quả phạt đền cuối trận thắng Qatar
+ “Vua bắn phá”: Zabilkhillo Urinboev có ít nhất năm trong số 14 lần dứt điểm cầu môn trúng đích, là thông số sáng giá nhất so với bất kỳ cầu thủ nào của hai đội có mặt ở chung kết. Kế đến là Yashinboev, đồng đội của Urinboev với chín lần dứt điểm cầu môn trúng đích. Tuy nhiên, đội trưởng của Uzbekistan này chỉ mới có một bàn thắng.
Urinboev là vua bắn phá nhưng chỉ mới một bàn thắng
+ Bàn thắng và bàn thua: Hành trình vào tới chung kết Uzbekistan là đội bị thủng bàn ít nhất, hay nói khác đi là hàng phòng ngự tốt nhất khi chỉ để thủng lưới có hai lần và ghi được 10 bàn thắng, cao nhất giải. Trong khi đó Việt Nam ghi được bảy bàn và thủng lưới bảy bàn. Hai đội ở chung kết sỡ hữu tổng cộng 26 bàn thắng và bàn thua.
Việt Nam có bảy bàn thắng và thua bảy bàn
+ “Nghịch đời” của hai đội vào chung kết: Nếu Uzbekistan thua Qatar ở trận đầu bảng A, thì Việt Nam đánh bại Qatar, ngược lại nếu Việt Nam thua Hàn Quốc (trận đầu vòng bảng) thì Uzbekistan đã đánh bại Hàn Quốc ở bán kết. Hai đội có điểm chung là khi kết thúc vòng bảng cả Việt Nam và Uzbekistan đều vào tứ kết với tư thế nhì bảng.
Uzbekistan thua Qatar, thì VN gạt Qatar ra khỏi trận chung kết
+ Những ông vua chuyền bóng: Tiền vệ Khamrobekov thực hiện 384 đường chuyền chính xác, chỉ số này là cao nhất trong đội Uzbekistan, cao hơn cả Tarek Salman của Qatar thực hiện 292 đường chuyền. Với Lương Xuân Trường của Việt Nam thì có 203 đường chuyền thành công, kỷ lục của cầu thủ Việt Nam.
Kahamrobekov có 384 đường chuyền, cao nhất giải
+ Đường chuyền tốt, bàn thắng cao?: Vào đến chung kết, Uzbekistan có cả thảy 1.989 đường chuyền thành công, còn Việt Nam 1.299 đường chuyền. Việt Nam là đội có thời lượng kiểm soát bóng kém nhất giải, chỉ 35,91%.