Nóng trong tuần

Cần cẩn thận, không thể để dịch chồng dịch

(PLO)- TP.HCM tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết để tránh dịch chồng dịch.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong tuần qua, thông tin từ ngành y tế cảnh báo về tình hình số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tại các tỉnh phía Nam và tại TP.HCM tăng cao, cùng đó là số ca mắc COVID-19 mới có xu hướng tăng trong ba tuần gần đây, đã nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

Theo Sở Y tế TP.HCM, số ca mắc COVID-19 mới có xu hướng tăng trong ba tuần gần đây. Về dịch SXH, số ca mắc đã là 21.993 ca, tăng 184% so với cùng kỳ; số tử vong đã là 11 trường hợp, có cả người lớn, phụ nữ mang thai, trẻ em.

Nhiều bạn đọc cho rằng mọi người không nên chủ quan trước tình hình trên, vì nếu không cẩn thận sẽ rất dễ xảy ra dịch chồng dịch, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tính mạng của người dân.

Người dân đang vệ sinh khu vực xung quanh nơi mình sinh sống để phòng chống dịch sốt xuất huyết. Ảnh: NH

Người dân đang vệ sinh khu vực xung quanh nơi mình sinh sống để phòng chống dịch sốt xuất huyết. Ảnh: NH

Cẩn thận với dịch SXH

Chị NTH (ngụ quận 12) cho biết cách đây một tuần, con chị có triệu chứng sốt nhẹ. Nghĩ con chỉ bị sốt siêu vi bình thường nên chị tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, sau ba ngày tự mua thuốc uống, bệnh của con không khỏi mà có triệu chứng nặng hơn. Lo lắng cho sức khỏe của con, chị đã đưa con vào bệnh viện khám, làm xét nghiệm và được bác sĩ chẩn đoán bị SXH.

“Sau khi biết con bị SXH, ngoài việc tập trung chăm sóc sức khỏe cho con, gia đình tôi nhanh chóng tổng vệ sinh trong và bên ngoài căn nhà để tránh muỗi đốt, lây bệnh cho người khác” - chị H nói.

Theo chị H, đây cũng là bài học cho các bậc phụ huynh, mọi người không nên chủ quan với căn bệnh. Bệnh này diễn biến rất nhanh, buổi sáng chỉ bị sốt nhẹ và đến buổi chiều bé lại kêu đau đầu, buồn nôn, tay chân lạnh. Vì thế, phụ huynh nên cẩn thận với đợt SXH lần này.

Anh TVD (ngụ quận Bình Tân) cho biết anh cũng vừa trải qua căn bệnh SXH. Nhà anh ở gần kênh, dưới kênh có nhiều rác thải nên rất ẩm thấp, ô nhiễm. Anh nghĩ đây có thể là nguyên nhân khiến anh bị bệnh. “Tôi nghĩ môi trường sống rất quan trọng, vì thế trong thời điểm dịch bệnh có xu hướng tăng, mọi người cũng nên dọn dẹp xung quanh nơi mình sinh sống, nhất là những nơi ao tù, nước đọng, cây cối rậm rạp…” - anh D chia sẻ.

“Việc vệ sinh, khử khuẩn được thực hiện không những ở bên ngoài, phường còn kêu gọi người dân phải tự dọn dẹp cả trong nhà mình.”

Ông Nguyễn Thế Dũng, Chủ tịch UBND phường 14, quận Gò Vấp

Ý thức của người dân cũng rất quan trọng

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Hưng Thuận, quận 12, cho biết trong thời gian gần đây dịch SXH có xu hướng tăng nên phường có chỉ đạo tất cả khu phố, tổ dân phố vận động người dân vệ sinh trước cửa nhà, xung quanh khu vực. Đồng thời, phường cũng ra quân dọn vệ sinh tại các điểm có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh.

Việc dọn vệ sinh này được thực hiện thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, tại các điểm có khả năng xảy ra dịch bệnh, phường kết hợp với y tế phường tiếp hành phun thuốc, rải muối diệt muỗi, lăng quăng.

Tại phường cũng có một số hộ có người nhà bị SXH nhưng không chịu mở cửa để phường phun thuốc, diệt khuẩn bởi nhiều người sợ dơ nhà, sợ mùi thuốc... Vì thế, ngoài những buổi ra quân dọn vệ sinh, phường cũng tăng cường vận động, thuyết phục người dân tuân thủ thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan.

“Với những ca nhiễm bệnh xảy ra trên địa bàn, phường có hai kênh để tiếp nhận. Thứ nhất là nơi khám chữa bệnh sẽ báo về địa phương. Thứ hai, người dân sẽ báo tổ trưởng hoặc gọi điện thoại cho trạm y tế phường để thông báo ca nhiễm mới. Sau khi tiếp nhận, phường sẽ xuống địa bàn nơi người bệnh sống kiểm tra khu vực xung quanh và thực hiện những biện pháp phòng chống dịch” - bà Bích nói.

Ông Nguyễn Thế Dũng, Chủ tịch UBND phường 14, quận Gò Vấp, cho biết trước tình hình các ca bệnh SXH tăng cao, phường đã có kế hoạch tăng cường phòng chống dịch. Ngoài việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch chung thì ý thức của người dân cũng rất quan trọng.

“Phường đề ra mục tiêu để phòng chống dịch cụ thể như đưa cả hệ thống chính trị vào để thực hiện nhiệm vụ chung, để nắm chắc tất cả điểm có người nhiễm bệnh trong địa bàn phường. Từ đó phường sẽ tổng vệ sinh, xịt khử khuẩn diệt môi trường sinh sản của muỗi, lăng quăng. Việc vệ sinh, khử khuẩn được thực hiện không những ở bên ngoài, phường còn kêu gọi người dân phải tự dọn dẹp cả trong nhà mình...” - ông Dũng chia sẻ.•

Người dân đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 tăng

Hiện phường đang triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường phòng COVID-19 cho người dân trên địa bàn. Thời gian qua, người dân có tâm lý ngại tiêm vaccine vì nghĩ dịch không còn nguy hiểm nên số người đăng ký tiêm không cao.

Thế nhưng, trước những thông tin từ các cấp TP về diễn biến mới của dịch COVID-19 và báo chí cũng thông tin thì người dân bắt đầu thay đổi suy nghĩ.

Tại phường, lượng người dân đến tiêm ngừa cũng tăng lên khá nhiều. Phường 14 có lịch tiêm vaccine phòng COVID-19 theo định kỳ là sáng thứ Tư, sáng thứ Năm hằng tuần, mỗi buổi tiêm có khoảng 400-500 người dân đến tiêm.

Việc vận động người dân tiêm vaccine phòng COVID-19 để tự bảo vệ sức khỏe cho mình, phường tuyên truyền không mang tính chất khẩu hiệu nhiều mà tập trung vào những nội dung ngắn gọn để người dân tự ý thức được tầm quan trọng của việc tiêm ngừa.

Ông NGUYỄN THẾ DŨNG, Chủ tịch UBND phường 14, quận Gò Vấp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm