Theo công bố của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, đầu năm 2020 đã phát hiện một ổ dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm tại tỉnh Hồ Nam. Tại Việt Nam, kết quả giám sát chủ động của ngành thú y cho thấy khả năng dịch bệnh này có thể bùng phát trong thời gian tới. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường các biện pháp, chủ động phòng, chống dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm và ở người; không để xảy ra hiện tượng dịch chồng dịch trong bối cảnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) đang diễn ra.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước trong việc chia sẻ, hỗ trợ Việt Nam tổ chức phòng, chống dịch cúm gia cầm trên động vật có hiệu quả. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh do virus cúm A (H5N1) và các loại cúm gia cầm khác, phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Thông báo kịp thời cho Bộ Y tế để phối hợp triển khai các hoạt động phòng, chống dịch lây lan sang người; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm dịch nhằm hạn chế tới mức thấp nhất việc gia cầm và các sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch lưu thông trên thị trường.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương tăng cường công tác quản lý thị trường, ngăn ngừa nhập lậu gia cầm, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối.
Ngoài ra, Bộ Y tế cần có trách nhiệm tăng cường giám sát, phát hiện sớm những trường hợp nghi nhiễm cúm A (H5N1) và các loại cúm gia cầm khác trên người; cách ly, khoanh vùng xử lý triệt để những trường hợp người mắc bệnh, không để dịch lây lan; đảm bảo đủ trang thiết bị y tế, thuốc và hóa chất thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch ở các tuyến...
Bộ Công an, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng có trách nhiệm ngăn chặn và thực hiện bắt giữ, xử lý nghiêm khắc các đối tượng buôn lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm không đảm bảo an toàn thực phẩm; tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm... Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí ở trung ương và địa phương cũng cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về tình hình dịch để người dân không hoang mang, chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế…
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các ngành liên quan thực hiện một số nội dung như giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời dịch bệnh trên gia cầm, thông báo kịp thời cho ngành y tế khi phát hiện các ổ dịch. Hướng dẫn chủ chăn nuôi áp dụng nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động tiêm phòng vaccine cúm cho đàn gia cầm. Đối với các tỉnh có cửa khẩu quốc tế, đường biên giới phải thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch động vật, không để vận chuyển, buôn bán gia cầm qua các cửa khẩu và nhập lậu qua đường biên giới.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, giám sát, đánh giá sự sẵn sàng phòng, chống dịch và chỉ đạo việc thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm.