Phù Châu Miếu (hay còn gọi là Miếu Nổi) nằm trên sông Vàm Thuật đoạn đi qua phường 5 (quận Gò Vấp, TP.HCM) là địa điểm nổi tiếng, quanh năm đều có người dân về cúng bái và hoạt động phóng sinh có phần nổi bật.
Phong phú loài động vật được phóng sinh
Người dân khi muốn ra Phù Châu Miếu thì cần phải gửi xe và đi thuyền chở khách ra đến nơi. Với người dân thường hay đến đây thì ắt hẳn không còn xa lạ với hình ảnh những người bán động vật phóng sinh chào mời “một xô 100.000 đồng” với muôn vàn loài động vật như cá chép, cá trê, chim, rùa, ba ba, lươn,... đủ kích cỡ và thể loại.
Theo ghi nhận của PV, nằm sâu phía sau của Miếu Nổi này là những sạp bán động vật phóng sinh cố định, còn ở khu vực sân Miếu thường có từ 3-5 người bán động vật phóng sinh bằng các xô cá, xô ba ba hay các lồng chim.
Một chủ sạp bán động vật phóng sinh ngay trên Phù Châu Miếu cho biết những loài động vật này được nuôi sẵn ở các trại giống.
“Những trại giống ở gần khu vực này, tôi cũng như những người khác đến lấy về bán. Các động vật phóng sinh ở đây to nhỏ gì cũng có hết”- chủ sạp nói và cho biết thêm các con rùa con chỉ mới bằng ngón chân cái cũng được bày bán bên cạnh các con rùa trưởng thành.
Trong khi đó, một người đàn ông khác bán cá và chim phóng sinh mỗi ngày chia sẻ: “Tôi mua cá này từ một số vựa ở miền Tây đem lên giao, cũng có cá mua bên trại giống ở Củ Chi. Còn chim, tôi mua từ những người đánh bắt ngoài kia, họ bán kiếm thêm”.
Mỗi năm đến đây phóng sinh 2 lần, chị Nguyễn Thanh Vân (quận 4) cho biết chị thường đi phóng sinh sau rằm để vắng bớt, mỗi lần chị mua đến tận 10kg cá.
“Một xô người ta bán 100.000 đồng, mà khi tôi mua số lượng lớn thì họ bán là 650.000 đồng, cũng có bớt chút đỉnh”- chị Vân chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động phóng sinh.
Theo ghi nhận, một ngày bình thường vẫn có hàng trăm khách từ khắp nơi trên địa bàn TP.HCM đến tham quan, thực hiện việc phóng sinh tại Miếu Nổi. Thế nhưng ở bên kia bờ lại diễn ra hoạt động trái ngược.
‘Câu không có cá thì kéo lưới’
Từ điểm thả cá phóng sinh trên Miếu Nổi nhìn sang bên kia bờ là con đường An Phú Đông 9 (phường An Phú Đông, quận 12). Dọc bờ sông là những chiếc cần câu để sẵn, những chiếc lưới đã được một số người dân giăng sẵn dưới lòng sông.
Theo ghi nhận, có khoảng 3 điểm câu cá tự phát dọc theo bờ sông, mỗi điểm có khoảng 5-7 người dân tham gia câu cá, giăng lưới bắt cá, có cả những trường hợp sử dụng dụng cụ chích điện bắt cá.
Cứ khoảng 15 giờ là nhiều người dân trong khu vực hoặc lân cận bắt đầu ra điểm câu, họ sử dụng lưới đánh bắt và cần câu để bắt cá.
Một người đàn ông thường dẫn con trai đi câu cá tại khu vực này cho biết nhờ hoạt động phóng sinh ở Miếu Nổi mà ở đây có nhiều cá, chủ yếu là cá trê với cá chép.
“Rảnh thì tôi ra câu thôi, mấy tháng hè này tôi dắt con trai theo chơi. Cá ở đây quá trời mà không câu thì uổng”- người này cho hay.
Một nhóm khác gần đó có che một lều tạm bằng tấm bạt nói rằng nhóm câu đến 17 giờ mà ít cá hoặc không có cá thì xuống kéo lưới đến 18 giờ.
Cũng nhìn thấy và biết vấn đề trên, anh Nguyễn Thanh Phương Ben (quận 4) nghĩ rằng họ câu cá lớn thôi, không câu cá nhỏ.
“Mà giờ cá dưới đó, họ câu thì mình phải chịu rồi. Giờ mình làm việc thiện, còn họ có làm gì mà không phải thì họ chịu nghiệp thôi”- anh Ben nói và cho biết muốn đi phóng sinh thì mua cá tại chỗ rồi phóng sinh thì sẽ tiện hơn thay vì mua cá ở chỗ khác đem đến.
Chia sẻ về vấn đề trên, Tiến sĩ (TS) Trần Long, giảng viên trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, nguyên Trưởng Bộ môn Văn hóa Việt Nam, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM, cho biết phóng sinh liên quan nhiều đến Phật giáo, hoạt động phóng sinh khơi dậy bản tính thương yêu động vật, tạo công đức lớn nên người nào mộ đạo hoặc có lòng từ bi thì tham gia phóng sinh.
“Tuy nhiên, hoạt động phóng sinh có một số bất cập. Khi tổ chức hoạt động phóng sinh thì cần số lượng lớn động vật do nhu cầu của người phóng sinh cũng lớn. Khi nhu cầu quá lớn thì lại sinh ra vòng lặp: người vừa thả ra lại có một số người bắt và đem vào chùa bán lại để phóng sinh”- TS Trần Long cho hay chu kỳ như vậy làm cho những con cá, con chim trở nên khổ sở hơn.
Cũng theo TS Long, những người phóng sinh chỉ suy nghĩ đơn giản là mình có động vật nào đó rồi thả chúng ra thì gọi là phóng sinh, nhận được công đức nhưng họ không biết có những con vật bị bắt bị thả liên tục.
"Những người bắt lại cá phóng sinh thực ra là người không có nhận thức đúng đắn về hoạt động phóng sinh, không rành về giáo lý đạo Phật cũng như chỉ vì lợi ích kinh tế cá nhân”- TS Trần Long nhận định và khuyến khích hạn chế hoạt động phóng sinh không rõ ràng, không đúng ý nghĩa vốn có của phóng sinh.
Chùa cấm phóng sinh, đội quân săn bắt "hết việc"
Bên cạnh Phù Châu Miếu thì trước đây, Chùa Diệu Pháp (phường 13, quận Bình Thạnh) cũng là địa điểm được nhiều người biết tới về hoạt động phóng sinh.
Chùa Diệu Pháp từng phải cầu cứu chính quyền địa phương các cấp ở TP.HCM để xử lý đội quân săn bắt động vật phóng sinh ngay sau khi chúng được người dân thả xuống.
Còn ở thời điểm hiện nay, trước cổng chùa Diệu Pháp cũng có thực trạng bày bán các loại động vật, muốn lớn nhỏ đều có và thậm chí có thể phóng sinh chim tại chỗ.
Tuy nhiên, trái ngược so với Phù Châu Miếu, tại chùa Diệu Pháp khá yên ắng vào ngày bình thường, đa số người dân chỉ đến cúng bái và ra về nhanh chóng. Theo một người dân, hoạt động phóng sinh đã được cấm tại chùa Diệu Pháp và nhiều người dân tiến hành hoạt động phóng sinh tại một điểm bên ngoài, kế bên chùa.
Theo ghi nhận, hiện tại điểm phóng sinh không nằm bên trong chùa Diệu Pháp và cũng không thuộc phạm vi quản lý của chùa nên số người dân tham gia phóng sinh cũng ít đi hẳn. Từ đó, các đội quân săn bắt động vật phóng sinh từng “làm mưa làm gió” một thời cũng không xuất hiện ở thời điểm PV đi ghi nhận (11-9).