Cận cảnh những thương đau đến nát cõi lòng ở Gaza

(PLO)- Những ngày này, Dải Gaza chứng kiến rất nhiều cảnh tượng thương tâm hơn cả trong phim ảnh, khi người trúng bom đạn ngày càng nhiều mà các bệnh viện ngày càng mất dần khả năng cứu chữa.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Một ngày tháng 1, Ibrahim Al-Raei (16 tuổi) đang phụ giúp những người hàng xóm trú ẩn tại một sân trường ở miền trung Gaza đóng gói hành lý. Đột nhiên, một rocket bắn vào khu vực trường, gây ra vụ nổ lớn khiến phần chân phải dưới đầu gối của Al-Raei bị thương nặng.

Ông nội của Al-Raei (70 tuổi) là một trong những người đầu tiên tìm thấy Al-Raei. Al-Raei buộc một chiếc áo sơ mi quanh phần chân bị gãy của mình để cầm máu. Gần trường học này không có xe cứu thương hay ô tô nên anh trai Al-Raei và một người lạ dùng xe đạp để chở Al-Raei đến cơ sở y tế.

(PLO)- Nhiều người dân Gaza phải chịu cắt cụt chi do trúng bom đạn, trong bối cảnh cơ sở và vật tư y tế tại đây bị thiếu trầm trọng.
Một người bị cắt cụt chân đang ở khu lều tạm tại Rafah (nam Gaza). Ảnh: AFP

Al-Raei được cứu sống. Nhưng đó là khởi đầu của một cuộc phiêu lưu gian nan, đưa Al-Raei từ bệnh viện này sang bệnh viện khác ở Gaza để tìm bác sĩ chữa trị.

Bệnh viện đầu tiên Al-Raei được đưa đến là ở phía bắc Gaza. Các bác sĩ tại đây chỉ có thể thay áo sơ mi bằng băng gạc và tiêm cho Al-Raei một mũi thuốc giảm đau. Sau đó, Al-Raei được chuyển đến 3 bệnh viện nữa ở Gaza mới được phẫu thuật.

Nhiều ngày sau đó, Al-Raei đã không thể ngủ được do thuốc giảm đau hết tác dụng. “Tôi đã hét lên. Cơn đau giống như bị điện giật vậy” – Al-Raei nói.

Al-Raei chỉ là một trong hàng nghìn người dân Gaza phải chịu mất một phần thân thể do trúng đạn pháo giao tranh. Ngoài nỗi đau thể xác, những người này còn phải chịu nỗi đau tinh thần căng thẳng vì dịch vụ chăm sóc y tế ở Gaza gần như sụp đổ. Nhiều người bị mất chân tay vẫn đang chiến đấu để giành lấy sự sống và chật vật để được điều trị tại một số bệnh viện vẫn còn hoạt động tại dải đất này.

Bệnh viện thiếu nhân lực, vật tư

Vào tháng 12-2023, Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine ước tính khoảng 12.000 người, trong đó có khoảng 5.000 trẻ em đã bị mất tay chân vì cuộc xung đột ở Gaza. Tổ chức này cho biết họ không thể cập nhật số liệu từ đầu năm đến nay vì hệ thống viễn thông ở Gaza thường xuyên bị hỏng và hầu hết bệnh viện không còn hoạt động.

Chiến dịch không kích của Israel đã dẫn đến một số lượng lớn người bị thương tích, bao gồm gãy xương và mất tay chân. Các bác sĩ và chuyên gia y tế cho biết các vết thương thường nghiêm trọng nên việc phẫu thuật gặp không ít khó khăn. Một số chuyên gia y tế cho rằng những nạn nhân do xung đột Israel-Hamas phải chịu nỗi đau tương tự những nạn nhân trong trận động đất xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đầu năm 2023.

Các vết thương này càng nguy hiểm hơn trong bối cảnh Gaza thiếu nhân lực và vật tư y tế. Thiếu thuốc kháng sinh đồng nghĩa với việc các vết thương nhiễm trùng không được điều trị kịp thời. Thiếu đội ngũ phẫu thuật đồng nghĩa với việc tay chân không thể được tái tạo đúng cách.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ có khoảng hơn 10 bệnh viện ở Gaza vẫn hoạt động một phần, trong khi 23 bệnh viện hiện đã đóng cửa.

Tại các bệnh viện vẫn đang hoạt động, các bác sĩ và nhân viên y tế tuyến đầu đang bị quá tải. Các bác sĩ phẫu thuật cho biết một số bệnh nhân bị thương nặng đã buộc phải cắt cụt tay chân nhiều hơn mức cần thiết để có thể cứu mạng họ.

Ông Mohammed Obaid – bác sĩ phẫu thuật chuyên tái tạo chân tay tại Bệnh viện Al-Awda ở phía bắc Gaza – cho biết ông đã thực hiện 35 ca cắt cụt tay chân trong xung đột. Không còn bác sĩ phẫu thuật mạch máu nào ở phía bắc Gaza để thực hiện các thủ thuật phức tạp liên quan mạch máu bị tổn thương.

Ông Obaid kể ông từng điều trị cho hai chị em (6 tuổi và 9 tuổi). Hai em đến bệnh viện sau khi bị gãy xương chân. Họ bị thương trong một vụ tấn công tại nhà riêng nhưng đến tuần sau mới đến được bệnh viện Al-Awda vì xung đột diễn ra gay gắt. Lúc đó, vết thương của hai em đã bị nhiễm trùng.

benh-nhan-bi-cat-cut-chi-o-Gaza.jpg
Một bệnh nhi bị cắt cụt chân ở bệnh viện Nasser, TP Khan Younis (nam Gaza). Ảnh: AFP

Bác sĩ Obaid đã tích cực cứu chữa hai chị em này. Tuy nhiên, ông không có thuốc kháng sinh thích hợp và không có đủ trang thiết bị để xác định nguyên nhân gây nhiễm trùng. Sau đó, mỗi cô bé đã bị cắt một bên chân.

“Chúng tôi đã nói với người cha rằng nếu chúng tôi không cắt bỏ đôi chân thì đôi chân đó sẽ cướp đi mạng sống của các con gái ông. Vì điều đó, ông ấy đã đồng ý cho cắt cụt chân” – bác sĩ Obaid nói.

Cắt cụt chân tại nhà

Vào tháng 1, đoạn video ghi lại cảnh bác sĩ phẫu thuật Hani Bseiso rửa chiếc chân bị đứt lìa của cháu gái 17 tuổi trong nhà bếp của gia đình ở TP Gaza đã lan truyền khắp thế giới Ả Rập. Khi đó, ông Hani Bseiso nhúng miếng băng gạc vào xô thuốc tẩy và nước để khử trùng những mảng da bám trên chân của cháu gái ông.

Ông Hani Bseiso cho rằng việc đưa cháu gái đến bệnh viện là quá nguy hiểm vì các cuộc không kích của Israel thường xuyên diễn ra khắp Gaza.

Ông Hani Bseiso nhớ lại cháu gái ông đã xin ông đừng cắt chân của cô bé. Tuy nhiên, ông phải làm để có thể cứu cháu. Ông đã dùng con dao làm bếp và một chiếc kéo y tế để phẫu thuật dưới ánh đèn của điện thoại di động.

Sau đó, ông và cháu gái phải đợi 5 ngày mới có thể đến bệnh viện Al-Shifa gần đó. Trong thời gian chờ, ông cho cô cháu gái uống những viên thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau.

“Thật sốc và ngạc nhiên khi con bé phải chịu đựng tất cả những điều này” – ông Hani Bseiso nói.

Cháu ông Hani Bseiso sau đó được đưa đến Ai Cập.

5b82dca553a8627c65a54ca077e5a7181259747e.jpg
Một bệnh nhân 16 tuổi bị cắt cụt chân ở bệnh viện Al-Ahli, TP Gaza (bắc Gaza). Ảnh: ANADOULU AGENCY

Các chuyên gia y tế cho biết cách tốt nhất để cứu chữa những bệnh nhân bị thương nặng là đưa họ khỏi Gaza. Ông Steve Sosebee – nhân viên cứu trợ lâu năm ở Gaza – cho biết ông đã có thể gửi một số bệnh nhân đến bệnh viện ở Mỹ sau khi họ được sơ tán đến Ai Cập, nhưng việc xin phép đưa họ ra ngoài rất chậm và nhiều thủ tục.

Ông cho biết việc phê duyệt thường mất hàng tuần. Do đó, việc mất liên lạc với bệnh nhân hoặc người thân của họ trong quá trình này không phải là hiếm.

Theo WHO, tính đến ngày 3-3, khoảng 2.600 bệnh nhân có thể đã rời Gaza để được chăm sóc y tế. Tổ chức này ước tính rằng khoảng 8.000 bệnh nhân khác cần phải sơ tán khỏi dải đất này để được điều trị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm