Chiều 27-6, tổ đại biểu HĐND TP.HCM khóa X (đơn vị 2) đã có buổi tiếp xúc với cử tri TP Thủ Đức.
Buổi tiếp xúc ghi nhận nhiều ý kiến của cử tri về cải cách hành chính, cơ sở hạ tầng, các dự án giao thông chậm tiến độ, các dự án treo… tại địa bàn.
Kiến nghị lãnh đạo công khai số điện thoại
Nêu ý kiến về cải cách hành chính, cử tri Nguyễn Thị Dung cho rằng từ sau khi thành lập TP Thủ Đức, người dân chưa thấy lợi ích cụ thể mà chỉ thấy những bất tiện. Đơn cử như các địa chỉ cơ quan hành chính quá xa, việc liên hệ với các phòng, ban ở TP Thủ Đức cũng rất khó khăn.
Cử tri Dung cũng kiến nghị các lãnh đạo TPHCM và TP Thủ Đức cần công khai số điện thoại cá nhân hoặc email của mình để khi cần, người dân có thể liên hệ, bởi đây cũng là kênh để người dân tố cáo, phản ánh các tiêu cực, tham nhũng.
|
Cử tri Nguyễn Văn Hoàng bức xúc về cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập. Ảnh: THANH TUYỀN |
Cử tri Nguyễn Văn Hoàng đặt vấn đề về tiềm năng phát triển của Thủ Đức sau khi lên TP. “Tôi cảm giác TP Thủ Đức hiện nay giống như nối ba cái áo lại với nhau, chỉ đơn thuần là ba quận gộp lại, chưa có gì mới, không có cơ chế, chính sách phát triển phù hợp”- cử tri nói và cho rằng đã đến lúc TP Thủ Đức cần một chiếc áo mới hơn.
Ông cũng cho rằng, cần bắt tay vào hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng vì đây là điểm cốt lõi để kêu gọi nhà đầu tư. Theo ông, hạ tầng giao thông TP Thủ Đức hiện còn nhiều bất cập. Nhiều cây cầu được xem là huyết mạch như cầu Nam Lý, Tăng Long, Long Đại vẫn y như cũ trong nhiều năm qua. Dù các cây cầu đều nằm trong diện đầu tư sửa chữa.
Theo cử tri, muốn thu hút nhà đầu tư thì phải hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng vì đấy là bộ mặt của TP. TP Thủ Đức muốn kết nối nhà đầu tư, phải quan tâm hơn tới việc điều chỉnh và hoàn thiện cơ sở hạ tầng.
Riêng về vấn đề nhân sự TP.HCM, cử tri Hoàng cho rằng Trung ương nói siết biên chế nhưng cần phải căn cứ vào thực trạng của TP.HCM hiện nay. “Muốn TP.HCM phát triển, là đầu tàu thì cần phải có cơ chế rõ ràng. Với số lượng công việc của cán bộ hiện nay thì không thể nói siết là siết”- cử tri đề đạt và kiến nghị xây dựng cơ chế hoàn chỉnh cho TP.HCM nói chung và TP Thủ Đức nói riêng.
Đồng quan điểm, cử tri Trần Ba cho rằng: “Không phải có lý do gì mà không mạnh dạn nghiên cứu đề xuất cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức. Phải làm sao cho TP Thủ Đức phát triển ngang tầm quy mô, tiềm năng như đề án thành lập nêu ra ngay từ đầu. Cơ chế đó phải xuống đến tận phường”.
|
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê trao đổi ý kiến với cử tri. Ảnh: THANH TUYỀN |
“Dân nhìn thấy nhà nhưng mãi không về được chỉ vì… kẹt xe”
Cử tri Trương Thế Cần kiến nghị TP.HCM giải quyết dứt điểm các dự án treo và phải có giải pháp để người dân tại các dự án treo được sống đúng nghĩa. “Chúng ta xây dựng thành phố đáng sống nhưng người dân còn khổ quá, nhất là các khu có dự án treo” - cử tri nói và kiến nghị TP.HCM xem xét lại tất cả các dự án treo trên địa bàn TP, dự án nào còn khả thi thì tiếp tục triển khai, không khả thi thì thu hồi, trả lại mặt bằng cho người dân.
Cử tri Nguyễn Thị Mai cũng cùng nỗi bức xúc về các dự án treo tại TP Thủ Đức. Bà đơn cử như cầu Nam Lý hiện nay, mỗi giờ tan tầm là người dân lại phải chịu cảnh kẹt xe khi đi qua cầu.
“Dân nhìn thấy nhà nhưng mãi không về được chỉ vì… kẹt xe”- cử tri Mai nói và đề nghị chính quyền đẩy nhanh việc thực hiện các dự án trọng điểm này.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết các dự án cầu Nam Lý, Tăng Long, Long Đại chậm tiến độ do gặp vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng. Hiện TP đã làm xong công tác phê duyệt giá dự án cầu Nam Lý, Long Đại, do đó ông mong bà con chia sẻ với chính quyền vì việc giải phóng mặt bằng luôn gặp phải nhiều khó khăn.
Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết sắp tới TP Thủ Đức sẽ tiếp tục tập trung xử lý các dự án hạ tầng bị vướng.
Đối thoại với dân để giải quyết triệt để vấn đề
Tiếp thu ý kiến của cử tri, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê đề nghị chính quyền địa phương tăng cường đối thoại về những vấn đề mà người dân phản ánh, không để kéo dài.
Ông Khuê đề nghị TP Thủ Đức chọn ra các dự án mà người dân phản ánh nhiều năm, nhiều lần để đối thoại, gặp gỡ giải quyết, không thể phó thác cho cơ quan chuyên môn. “Sự chậm trễ của các dự án là sự khổ nhọc của người dân”- ông nói và yêu cầu cấp chính quyền đối thoại, tiếp công dân để giải quyết triệt để vấn đề.
ĐB Như Khuê nhấn mạnh: “Không có gặp gỡ đối thoại thì vấn đề càng kéo dài".
Về cơ chế phát triển TP Thủ Đức, ông Phan Nguyễn Như Khuê cũng đồng ý rằng cần phải có cơ chế thoáng hơn cho TP này. Thành ủy, UBND TP.HCM đã có thảo luận để tìm ra cơ chế phát triển phù hợp nhất.