Cần chung tay để nông dân TP.HCM không còn 'đơn thân độc mã'

(PLO)- “Nông dân TP.HCM vẫn còn đang 'đơn thân độc mã'. Điều này khiến nông nghiệp du lịch gặp nhiều khó khăn, chưa khai thác hết tiềm năng”- Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chia sẻ.

Ngày 27-11, UBND TP.HCM phối hợp Hội Nông dân TP.HCM và các sở, ngành tổ chức chương trình lãnh đạo Thành phố gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân TP.HCM năm 2024 với chủ đề: “Vai trò của nông dân trong phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”.

Tham dự chương trình có ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM; ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cùng đại diện các sở, ngành, Hội Nông dân các quận, huyện, TP Thủ Đức.

Nông dân vẫn đang "đơn thân độc mã"

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh vai trò đặc biệt của TP.HCM trong hơn 300 năm hình thành và phát triển. Thành phố không chỉ được Đảng, Nhà nước và Trung ương qua các thời kỳ đánh giá là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, thương mại quốc tế, mà còn giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.

Điểm độc đáo của TP.HCM, theo ông Hoan, nằm ở vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên hiếm có. Với sự kết hợp hài hòa của sông, biển, núi và rừng, cùng hệ thống giao thông đa dạng như cảng biển, ga đường sắt Bắc - Nam và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM đã trở thành điểm nút giao thương quan trọng, không chỉ trong nước mà còn trên toàn khu vực.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phát biểu tại chương trình. Ảnh: HỒNG THẮM

Về cơ cấu kinh tế, TP.HCM đã phát triển một nền kinh tế hiện đại, trong đó dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn nhất, công nghiệp xây dựng giữ vị trí thứ hai và nông nghiệp dù chỉ chiếm 1% nhưng đang ngày càng được chú trọng.

Ông Hoan cho biết nông nghiệp TP.HCM đang chuyển mình theo hướng ứng dụng công nghệ cao, phát triển các sản phẩm OCOP và nông nghiệp đô thị, tạo ra giá trị cao hơn trong bức tranh kinh tế chung.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp du lịch vẫn còn nhiều thách thức. Ông Hoan thẳng thắn chỉ ra rằng, hiện nay phần lớn người nông dân TP.HCM vẫn đang tự lực phát triển dựa trên ý tưởng cá nhân, hoạt động nhỏ lẻ, chưa tạo nên một phong trào mạnh mẽ hay sự chuyển đổi đồng bộ trong kinh tế nông nghiệp. Điều này cản trở sự phát triển bền vững của ngành.

“Nông dân vẫn đang "đơn thân độc mã". Điều này khiến nông nghiệp du lịch gặp nhiều khó khăn, chưa khai thác hết tiềm năng”- ông Hoan chia sẻ.

Theo ông Hoan, TP.HCM cần xây dựng các vùng nông nghiệp đô thị có cơ sở hạ tầng hoàn thiện, không chỉ cung cấp không gian xanh rộng lớn để người dân và du khách nghỉ ngơi, tái tạo sức khỏe, mà còn giúp bảo tồn giá trị văn hóa nông thôn giữa lòng đô thị hiện đại.

Để phát triển bền vững, ông Hoan nhấn mạnh cần sự chung tay của “6 nhà” - nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, nhà báo và nhà nông.

Ông Hoan khẳng định: “Mỗi nhà đều có thế mạnh riêng, từ thẩm quyền, công cụ đến chuyên môn. Chỉ khi tất cả cùng chung tay, chúng ta mới có thể vực dậy nông nghiệp và tạo điều kiện để người nông dân phát triển, nâng cao chất lượng sống cho người dân TP.HCM”.

Đại diện Hiệp hội Nông dân nêu ý kiến. Ảnh: HỒNG THẮM

Do đó, ông Hoan kêu gọi các bên liên quan đóng góp ý tưởng, chia sẻ kinh nghiệm để định hướng phát triển nông thôn TP.HCM theo hướng văn minh, hiện đại, nhưng vẫn giữ được nét nghĩa tình và sức sống mạnh mẽ.

Đại diện Hiệp hội nông dân huyện Củ Chi - ông Võ Văn Thuận đã chỉ ra một số khó khăn trong phát triển du lịch nông thôn tại TP.HCM như các quy định về quản lý, sử dụng đất đai còn bất cập, với tỷ lệ xây dựng trên đất nông nghiệp chỉ 1% và diện tích không quá 50 m², gây trở ngại cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng như homestay, khu dịch vụ ẩm thực hay nhà vệ sinh.

Bên cạnh đó, TP chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ hiệu quả để khuyến khích hội viên nông dân và doanh nghiệp tham gia. Các sản phẩm du lịch vẫn mang tính thời vụ, đơn điệu, hoạt động tự phát và trùng lặp, làm giảm sức hấp dẫn. Hơn nữa, nguồn nhân lực trong lĩnh vực này thiếu kỹ năng, nghiệp vụ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển chuyên nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Kèo, chủ khu du lịch sinh thái trải nghiệm tại Hóc Môn nêu ra nhiều thách thức trong việc phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch tại chương trình. Ảnh: HỒNG THẮM

Ông Nguyễn Văn Kèo, chủ khu du lịch sinh thái trải nghiệm tại Hóc Môn, cho biết TP.HCM hiện có trên 2 triệu học sinh và nhu cầu trải nghiệm về nông nghiệp, nông thôn trong quá trình học tập là rất lớn. Trong khi đó diện tích đất nông nghiệp đang bị bỏ ngày càng nhiều.

Ông cho biết gia đình ông sở hữu 7 ha đất nông nghiệp trước đây trồng lúa, rồi cây công nghiệp lâu năm nhưng không mang lại hiệu quả cao. Vì vậy, vào năm 2013, ông đã quyết định chuyển đổi đất để xây dựng khu du lịch sinh thái trải nghiệm. Mô hình này chính thức đi vào hoạt động từ năm 2016, đến nay, đón tiếp trung bình 1.000 học sinh mỗi ngày.

"Chúng tôi biết rằng đất nông nghiệp không cho phép xây dựng công trình kiên cố, vì vậy các công trình tại khu du lịch của chúng tôi chủ yếu sử dụng chất liệu nhẹ như lán trại gỗ sắt, lá dừa. Quá trình xây dựng khá tốn kém, mặc dù không hoàn chỉnh, nhưng chúng tôi nhận thấy nhu cầu trải nghiệm của các em học sinh là rất lớn"- ông Kèo chia sẻ.

Ông cũng nhấn mạnh sự ủng hộ của các quận, huyện và TP.HCM đối với mô hình này, nhưng đồng thời khẳng định để mô hình du lịch sinh thái phát triển bền vững, cần có cơ chế đặc thù khuyến khích nông dân đầu tư.

Toàn cảnh chương trình. Ảnh: HỒNG THẮM

"TP.HCM muốn thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, cần phải có những cơ chế đặc biệt để khuyến khích nông dân tham gia. Cụ thể, cần cho phép nông dân xây dựng các công trình phụ trợ tạm thời, như lán trại, để phục vụ khách du lịch"- ông Kèo kiến nghị.

Ông cũng đề xuất TP.HCM có chính sách đặc thù dành cho nông dân, đặc biệt là tại các huyện ngoại thành, nơi có điều kiện phát triển du lịch sinh thái nhưng lại thiếu cơ chế hỗ trợ.

"Nhu cầu đô thị hóa cao, không gian sống chật hẹp, trong khi nhu cầu trải nghiệm của các em học sinh lại rất lớn. Mỗi năm, học sinh phải đi xa như Cần Thơ, Vĩnh Long hay Bà Rịa - Vũng Tàu để trải nghiệm, trong khi Hóc Môn chỉ cách TP.HCM 20 km. Nếu có chính sách rõ ràng, nông dân sẽ mạnh dạn đầu tư vào du lịch sinh thái, mang lại lợi ích cho cộng đồng và phát triển kinh tế địa phương"- ông Kèo nhấn mạnh.

Nông dân gặp không ít khó khăn

Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM cho biết trong quá trình xây dựng và phát triển TP.HCM, đặc biệt là quá trình đô thị hóa đã để lại nhiều thách thức cho người nông dân.

Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM phát biểu kết luận. Ảnh: HỒNG THẮM

Các chính sách và quy định hiện hành vẫn còn thiếu sự linh hoạt và phù hợp với đặc thù của từng địa phương, khiến cho nông dân gặp không ít khó khăn trong việc duy trì sản xuất và sinh kế.

“Chúng ta không thể chỉ chờ đợi đến hôm nay mới ngồi lắng nghe ý kiến của người nông dân. Việc này cần phải được thực hiện thường xuyên, định kỳ, để có thể hiểu rõ hơn nhu cầu và khó khăn của họ. Các cấp hội nông dân từ TP đến các huyện cần phải chia nhỏ các vấn đề, theo từng địa bàn và nhóm dân cư cụ thể”- ông Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh.

Mới đây, với việc cập nhật, bổ sung Luật Đất đai 2024 và ban hành Nghị định 102 của Chính phủ, TP.HCM đã trở thành địa phương tiên phong cho phép thí điểm xây dựng nhà tạm trên đất nông nghiệp.

Đây là bước đi quan trọng, tạo cơ hội cho nông dân phát triển các mô hình đa mục đích trên đất nông nghiệp, nhưng cũng đòi hỏi các địa phương phải xây dựng các đề án cụ thể phù hợp với đặc thù của từng khu vực.

“Chúng ta phải đảm bảo rằng người nông dân có thể sống thật sự trên đất nông nghiệp với thu nhập tương đương với các khu vực đô thị"- ông Hải chia sẻ thêm.

Nền nông nghiệp đô thị không phải là điều dễ dàng đối với TP.HCM. Đặc biệt, khi diện tích đất nông nghiệp nhỏ, kết hợp với hạ tầng đô thị và mục đích sử dụng đất xen cài, gây không ít khó khăn trong canh tác và chuyên canh. Vì vậy, việc tìm ra giải pháp để gia tăng giá trị sản phẩm trên diện tích đất nông nghiệp hạn chế là rất cần thiết.

Ông Hải cũng chỉ ra rằng, việc áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đô thị là yếu tố quan trọng để nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất. Việc tạo điều kiện để nông dân được học hỏi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp nước ngoài, đi thực tế cũng là hướng đi cần thiết để nông dân TP.HCM có thể sản xuất nông sản với chất lượng cao, hướng đến mục tiêu xuất khẩu

Gắn kết sản phẩm nông nghiệp với các ngành dịch vụ khác

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải cho rằng cần tăng cường liên kết nông nghiệp với các ngành dịch vụ để nông dân có thể tăng thu nhập từ chính đất đai của mình. Việc phát triển các mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, canh tác thông minh sẽ là những giải pháp giúp tăng giá trị sử dụng đất nông nghiệp.

Một trong những vấn đề quan trọng là phải gắn kết sản phẩm nông nghiệp với các ngành dịch vụ khác. Điều này sẽ giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào mùa vụ và hạn chế rủi ro trong sản xuất.

Để đạt được điều này, ông Hải cũng đặt ra yêu cầu về các dự án phải có kế hoạch rõ ràng, đánh giá hiệu quả cụ thể và có sự liên kết bền vững giữa các đơn vị du lịch, tránh tình trạng rủi ro khi dồn hết tài sản vào các mô hình nông nghiệp mà thiếu sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư chính quy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới