Cần có giải pháp xử lý dứt điểm các vụ khiếu kiện đông người

(PLO)- Nhiều vụ khiếu kiện đông người dù đã được xem xét, rà soát nhưng công dân không đồng ý và tiếp tục khiếu kiện vượt cấp, kéo dài, cần có giải pháp để giải quyết dứt điểm.

Ngày 16-8, phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo công tác dân nguyện tháng 7-2023 do Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày.

Ngoài những đánh giá và lo lắng, băn khoăn của cử tri, nhân dân thì điểm nổi lên là tình hình khiếu nại, tố cáo mà báo cáo của Ban Dân nguyện cho rằng có xu hướng giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp.

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày báo cáo tại phiên họp.
Ảnh: TOAN NGUYỄN

Cần cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm

Căn cứ vào báo cáo của Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an, Ban Dân nguyện báo cáo trong tháng 7, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng giảm so với tháng 6.

“Sau kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XV, tình hình khiếu kiện ở trung ương vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Tại trụ sở tiếp công dân trung ương, trong kỳ báo cáo có 33 đoàn khiếu kiện đông người, vượt cấp lên trung ương” - báo cáo Ban Dân nguyện nêu.

Đáng chú ý có bảy đoàn đông người mặc dù đã được các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương và địa phương xem xét, rà soát nhưng công dân không đồng ý và tiếp tục khiếu kiện vượt cấp, kéo dài, cần được các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương và địa phương có giải pháp để giải quyết dứt điểm.

Báo cáo của Ban Dân nguyện cũng cho biết hiện còn 63 người của 17 địa phương đang lưu trú tại Hà Nội để khiếu kiện. Dù đã được các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương kiên trì vận động, thuyết phục nhưng các công dân này vẫn không trở về địa phương.

Ban Dân nguyện cũng đã tích cực, chủ động phối hợp với Thanh tra Chính phủ, các cơ quan chức năng ở trụ sở tiếp công dân trung ương tổ chức tiếp, đối thoại với nhiều đoàn đông người. Tích cực hướng dẫn, tuyên truyền, thuyết phục người khiếu kiện chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật về tiếp công dân, không tập trung đông người di chuyển đến trụ sở các cơ quan ở trung ương, nơi ở của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước nên tình hình an ninh trật tự cơ bản được bảo đảm.

Ban Dân nguyện đề nghị Bộ Tài chính, UBND các tỉnh liên quan chủ trì tổ chức tiếp, đối thoại tại địa phương, chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền thụ lý, ban hành quyết định giải quyết (nếu còn thẩm quyền); tổ chức rà soát, rà soát lại nếu có căn cứ đối với các vụ này. Thông tin, kết quả giải quyết đề nghị khẩn trương báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ban Dân nguyện đã hướng dẫn, tuyên truyền, thuyết phục người khiếu kiện chấp hành quy định pháp luật về tiếp công dân, không tập trung đông người nên tình hình an ninh trật tự cơ bản được bảo đảm.

17 vụ việc liên quan đến ô nhiễm môi trường

Qua tổng hợp báo cáo từ các địa phương, Ban Dân nguyện cho hay trong tháng 7 đã xảy ra 17 vụ việc có dấu hiệu phức tạp về an ninh trật tự liên quan đến ô nhiễm môi trường tại 14 tỉnh, TP. Cụ thể là An Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Ngãi, Thái Nguyên, Trà Vinh. Các vụ việc này đã được các cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu khắc phục hậu quả và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở có sai phạm.

Trong số này có năm vụ việc liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; một số vụ việc liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp; liên quan đến chuyển nhượng quyền sử dụng đất, góp vốn xây dựng chung cư, căn hộ khách sạn khi chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết về bàn giao nhà đất, về chất lượng xây dựng, trốn tránh trách nhiệm bảo hành…

Ban Dân nguyện điểm tên năm vụ việc khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp về an ninh trật tự. Ban Dân nguyện đề nghị UBND các tỉnh Nghệ An, Quảng Nam và TP.HCM tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát lại vụ việc, giải quyết dứt điểm vụ việc, nhất là vụ việc mới phát sinh.

Đối với vụ việc không thuộc thẩm quyền, vụ việc có tính chất là tranh chấp hợp đồng giữa chủ đầu tư và cư dân thì thống nhất với các cơ quan chức năng hướng dẫn công dân khởi kiện tranh chấp đến cơ quan tòa án để giải quyết theo thẩm quyền.•

Chấn chỉnh việc hoàn thuế VAT

Theo báo cáo của Ban Dân nguyện, hiện cử tri và nhân dân còn băn khoăn việc thực hiện trách nhiệm hoàn thuế VAT của cơ quan thuế đối với doanh nghiệp xuất khẩu đã gây tác động lớn đến vốn, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu và uy tín của doanh nghiệp.

Ban Dân nguyện kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính chấn chỉnh kịp thời việc thực hiện trách nhiệm hoàn thuế VAT của cơ quan thuế đối với hồ sơ đề nghị hoàn thuế đã thực hiện đầy đủ quy định về hoàn thuế. Đồng thời, xử lý nghiêm đối với các trường hợp lạm dụng chức trách, nhiệm vụ để đưa ra các yêu cầu trái quy định để sách nhiễu, làm mất uy tín của doanh nghiệp có đề nghị hoàn thuế.

Đặc biệt, Ban Dân nguyện kiến nghị cần có chỉ đạo coi trọng công tác “hậu kiểm”, thực hiện “hoàn trước, kiểm sau” đối với hồ sơ hoàn thuế, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức lợi dụng việc hoàn thuế VAT để có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhà nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới