Cần cơ quan “siêu quyền lực” chống tham nhũng?

Ảnh PGS.TS Nguyễn Thái Phúc, giám đốc Học viện Tư pháp: “Trao chức năng điều tra, truy tố cho Ban Nội chính trung ương sẽ biến cơ quan này thành một cơ quan “khép kín” có nhiều quyền năng nhưng cũng có lắm nguy cơ”. 

TS Đáo Lệ Thu (ĐH Luật Hà Nội), Trưởng nhóm chuyên gia trong nước, đưa ra khuyến nghị trước mắt nên giữ nguyên mô hình cơ quan phòng, chống tham nhũng (PCTN) như hiện nay. Còn về lâu dài cần phát triển bộ phận thực thi pháp luật đặc trách với chức năng và các thẩm quyền về điều tra và truy tố, tức là Ban Nội chính Trung ương có chức năng và thẩm quyền về điều tra và truy tố.

Theo bà Thu, kinh nghiệm thế giới cho thấy một cơ quan chống tham nhũng không có quyền ghi âm bí mật, điều tra hồ sơ tài chính, phong tỏa tài sản và bắt những người tình nghi sẽ là thiết chế thiếu hiệu quả. “Một cơ quan chống tham nhũng cần có khả năng thực hiện theo dõi chuyên sâu, theo dấu vết dòng tiền, xây dựng hoạt động điều tra đặc tình và đưa ra lệnh bắt người bỏ trốn. Với những quyền năng điều tra như vậy cơ quan PCTN mới có thể tập hợp các bằng chứng cần thiết để đảm bảo việc truy tố hiệu quả” - TS Thu nói.

Đồng ý với mô hình Ban chỉ đạo PCTN như hiện nay, luật sư-ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng phải có một định chế rõ ràng chứ không thể trở về trạng thái như trước đây, theo ông Nghĩa, phải có một lực lượng PCTN riêng, có quyền lực đặc thù, tinh nhuệ và độc lập.

Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Thái Phúc, Giám đốc Học viện Tư pháp, cho rằng việc trao chức năng điều tra và truy tố cho cơ quan PCTN như đề nghị của bà Thu thì sẽ biến Ban Nội chính Trung ương thành một cơ quan “khép kín” có nhiều quyền năng nhưng cũng lắm nguy cơ. “Đảng không phải là Nhà nước, Đảng chỉ lãnh đạo về mặt chính trị. Ban Nội chính là một tổ chức của Đảng chỉ tham mưu về mặt chủ trương chứ không thể làm thay Nhà nước. Làm như thế là sai nguyên lý và nguyên tắc Đảng lãnh đạo chứ không làm thay” - ông Phúc lo ngại.

Ủng hộ ý kiến phản biện của ông Phúc, PGS-TS Nguyễn Tất Viễn, Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, nói: “Cơ quan PCTN không thể là cơ quan “siêu quyền lực” mà cơ quan này cũng phải chịu sự kiểm soát của các quyền lực khác”.

THU HẰNG

Đánh mạnh vào tài sản tham nhũng

Cần có khung pháp lý đặc thù đánh vào tài sản tham nhũng. Thời gian qua chúng ta có nỗ lực nhưng làm chưa đến nơi đến chốn. Phải làm sao cho tội phạm tham nhũng khi bị xử thì phải thu hồi tài sản cho trắng tay. Nếu không làm được việc này thì sẽ còn duy trì tình trạng như “hy sinh đời bố củng cố đời con“.

Luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới