Đó là cuộc vận động toàn dân tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm và cuộc vận động kêu gọi đồng bào cả nước chung sức, chung lòng, hiến kế, hiến công bảo vệ chủ quyền quốc gia. Đấy là những vấn đề bức xúc kéo dài nếu được mở ra sẽ được người dân hoan nghênh, ủng hộ.
Theo lưu ý của nhiều đại biểu, hiện xã hội đang đứng trước nhiều biến động lớn, MTTQ phải là lực lượng đầu tiên đi sâu vào đời sống của các tầng lớp nhân dân để nắm được hơi thở của cuộc sống. Điều này đòi hỏi hoạt động của MTTQ phải có cách thức khác, hình thức khác, phương thức khác. “Hiện nay Mặt trận vẫn còn trong tình trạng ăn cơm nguội, nằm nhà ngoài. Vai trò của Mặt trận còn mờ nhạt. Đến ngay ông giám đốc sở còn quan trọng hơn chủ tịch Mặt trận!” - ông Đỗ Phượng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, nêu ý kiến.
Cảnh báo về vấn đề suy thoái đạo đức trong xã hội hiện nay, GS-TS Phạm Thị Trân Châu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Hóa sinh Việt Nam, đề nghị trong hoạt động của MTTQ cần phải làm nổi bật hơn vai trò giám sát phản biện về giáo dục và khoa học vì đây là những vấn đề cốt lõi của đạo đức. “Tôi chờ đợi trong chương trình hành động của Mặt trận có giải pháp để giải quyết vấn đề mấu chốt này. Trong đó phương thức thực hiện của Mặt trận không nên hành chính hóa. Mặt trận không phải cứ Chính phủ nói gì thì Mặt trận nói cái nấy. Mặt trận không phải phục vụ những gì Chính phủ nêu ra!” - bà Châu đề nghị.
Ông Trần Hậu, Tổng Biên tập tạp chí Mặt Trận, cho rằng trong giai đoạn này, MTTQ đang đối diện với những vấn đề mới chưa từng có nên đòi hỏi sức mạnh đại đoàn kết để giải quyết. “Đại hội VIII lần này cần có tuyên ngôn giương cao ngọn cờ đại đoàn kết trong thời kỳ mới để bảo vệ độc lập, tự chủ. Con đường để độc lập, tự chủ chính là đại đoàn kết. Đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong dân, đoàn kết quốc tế” - ông Hậu tha thiết đề nghị.
T.HẰNG