Ấm ức vì bị “ém” tài liệu
Theo các luật sư có thực tế này bởi các bút lục trong hồ sơ án dân sự hiện nay thường không được đánh số. Do đó khi tiếp nhận hồ sơ từ cán bộ tòa, luật sư sẽ không biết được là hồ sơ đó có đầy đủ hay không, có bị thiếu tài liệu, chứng cứ nào hay không để yêu cầu cán bộ tòa cho tiếp cận.
Một luật sư Đoàn Luật sư TP.HCM kể: “Nếu cán bộ tòa cố tình giữ tài liệu lại không đưa thì luật sư cũng đành chịu thôi. Tôi có một đồng nghiệp tham gia một vụ tranh chấp thừa kế. Đồng nghiệp của tôi đã dành nhiều thời gian đến tòa xem hồ sơ trong thời gian tòa chuẩn bị xét xử. Tưởng đã nghiên cứu thấu đáo hết mọi ngóc ngách rồi, nào ngờ khi ra đến phiên xử, thẩm phán đưa ra một số chứng cứ, tài liệu mà trước đó khi đọc hồ sơ, đồng nghiệp của tôi không hề thấy. Trước tình huống này, đồng nghiệp của tôi đã không kịp chuẩn bị để phản bác, không biết phải bảo vệ sao cho có lợi cho thân chủ, chỉ biết mang nỗi ấm ức trong lòng là cán bộ tòa cố tình giấu hồ sơ gây bất lợi cho thân chủ của mình”.

Thiếu quy định, hướng dẫn
Một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM cho biết sau khi thụ lý, các tòa thường lấy bìa cứng bao bọc hồ sơ vụ án lại. Còn về việc đánh số, có nơi không làm, có nơi thực hiện nhưng không thống nhất, thậm chí đánh số lộn xộn không theo một trình tự nào. Nguyên nhân của tình trạng này là do hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định hay hướng dẫn về việc đánh số bút lục cũng như trình tự đánh số để quản lý hồ sơ vụ án một cách khoa học.
Theo vị thẩm phán này, việc không đánh số bút lục còn dẫn đến một hệ quả xấu là tài liệu, chứng cứ dễ bị thất lạc. Do đó cần có quy định hay hướng dẫn thống nhất trong toàn ngành tòa án về việc đánh số bút lục và cần có con dấu thống nhất để đóng dấu xác nhận vào từng bút lục. Bên cạnh đó, việc sắp xếp hồ sơ phải bảo đảm tính khoa học, hợp lý theo trình tự thời gian nhưng cũng thể hiện được nguồn gốc xuất xứ, phương pháp thu thập tài liệu, chứng cứ đó, để từ đó người nghiên cứu có đánh giá đúng về giá trị của tài liệu, chứng cứ.
Đồng tình, luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) nói thêm việc quản lý hồ sơ vụ án dân sự phải được xem là một trong những vấn đề quan trọng mà ngành tòa án cần phải thực hiện ngay. Theo luật sư Phượng, văn bản quy định hay hướng dẫn về quản lý hồ sơ vụ án cần phải xác định rõ trách nhiệm của người cung cấp, người thu thập, người quản lý hồ sơ. Tài liệu, chứng cứ của vụ án bắt buộc phải được đánh số và ghi vào bản kê danh mục hồ sơ ngay khi thu thập được. Song song đó, cũng cần siết lại việc bàn giao tài liệu, chứng cứ giữa các cơ quan tố tụng để dễ truy trách nhiệm trong trường hợp để thất lạc…
HOÀNG YẾN
Chỉ xử lý nội bộ nếu vô ý Ngày càng có nhiều trường hợp đương sự khiếu nại tòa làm mất tài liệu, chứng cứ, bút lục của mình đã nộp khiến vụ án rơi vào bế tắc. Tuy nhiên, đến nay việc xử lý trách nhiệm của các cán bộ liên quan đều không rõ ràng, trừ các trường hợp cố tình phi tang, hủy hoại chứng cứ nhằm làm sai lệch hồ sơ vụ án. Hầu hết các trường hợp khi không chứng minh được lỗi cố ý, các tòa thường đóng cửa nhắc nhở rút kinh nghiệm, kỷ luật nội bộ mà rất hiếm khi thấy có chuyện xử lý hành chính hay hình sự. Bởi lẽ hiện pháp luật hình sự, dân sự, hành chính đều chưa có quy định cụ thể về hành vi vô ý làm thất lạc chứng cứ, tài liệu, hồ sơ vụ án cũng như chế tài… Một kiểm sát viên cao cấp VKSND Tối cao |