Cần gạt các quy định cài cắm lợi ích trong pháp luật kinh doanh

(PLO)- Quốc hội cần kiên quyết gạt mọi điều luật không rõ ràng, không minh bạch do các bộ đề xuất; gạt những quy định có hơi hướng cài cắm chính sách để trục lợi.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2022” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây, nhiều vấn đề gây khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN) đã được nhận diện. Để làm rõ thêm vấn đề này, Pháp Luật TP. HCM trao đổi với ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI.

Nhiều lĩnh vực bị ách tắc

. Phóng viên: Thưa ông, trong báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2022”, những vướng mắc, khó khăn nào là nổi bật nhất, đang gây khó khăn, ách tắc cho DN?

+ Ông Nguyễn Minh Đức: Năm 2022 là một năm rất đặc biệt. Đầu năm thì các DN rất hồ hởi kinh doanh, phục hồi sau dịch. Tuy nhiên, đến cuối năm thì khủng hoảng kinh tế và xung đột vũ trang trên thế giới, cùng với những ách tắc của môi trường kinh doanh trong nước khiến các DN gặp nhiều khó khăn.

Có thể kể đến những ách tắc trên thị trường tài chính như tỉ giá, trái phiếu, chứng khoán và tín dụng; ách tắc thủ tục hành chính như đầu tư, đất đai, xây dựng, PCCC; những đứt gãy về công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, xăng dầu, đăng kiểm… Đây là những vấn đề nổi lên trong năm 2022 và cần các biện pháp ứng phó, điều hành của Chính phủ.

. Đọc báo cáo, tôi thấy có nhiều vấn đề dường như tồn tại từ năm 2018 - lần đầu báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam” được công bố. Theo ông, vì sao có những vấn đề dù đã được VCCI, DN, cơ quan quản lý nhận diện nhưng đến nay vẫn rất khó giải quyết?

+ Đầu tiên phải nói là vấn đề cải cách về điều kiện kinh doanh, giấy phép con đã đạt được bước tiến từ năm 2018. Vấn đề điện tử hóa thủ tục hành chính thì cũng đang trên đà chuyển biến mạnh. Tuy nhiên, còn rất nhiều vấn đề thể chế khác vẫn đang giậm chân tại chỗ như ứng dụng quản lý rủi ro, việc lạm dụng các quy chuẩn kỹ thuật và đặc biệt là vấn đề chồng chéo pháp luật.

Đăng kiểm là một trong những vấn đề nóng, ách tắc từ cuối năm 2022 đến nay. Ảnh: NGUYỆT NHI

Đăng kiểm là một trong những vấn đề nóng, ách tắc từ cuối năm 2022 đến nay.
Ảnh
: NGUYỆT NHI

Đặc điểm chung của những vấn đề này là chúng rất kỹ thuật. Muốn giải quyết thì cần đầu tư công sức, thời gian và chuyên môn sâu, chứ không thể chỉ dừng lại ở các tuyên bố. Thêm vào đó, các vấn đề này lại không có các chỉ tiêu định lượng để đánh giá nên tôi cho rằng bản thân Chính phủ cũng nhìn ra vấn đề nhưng lại gặp khó khăn khi đốc thúc các bộ, ngành cải cách.

Đối mặt với ba vấn đề lớn

. Có ý kiến ở hội thảo công bố báo cáo cho rằng tư duy kinh tế thị trường đang giảm sút nên gây khó khăn cho quá trình tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi như định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước… Từ thực tiễn tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng pháp luật của Ban Pháp chế, ông thấy vấn đề này nên được hiểu như thế nào?

+ Tôi đồng tình với nhận định này. Thời kỳ đổi mới của Việt Nam từ năm 1986 có đặc trưng cơ bản là chúng ta chuyển từ tư duy kinh tế kế hoạch hóa sang tư duy kinh tế thị trường. Tuy nhiên, sau hơn 30 năm, thể chế kinh tế của Việt Nam đã tạo được những nền tảng thị trường cơ bản thì chúng ta đối mặt với ba vấn đề lớn.

Thứ nhất là động lực cải cách như thời kỳ đầu đổi mới không còn. Thứ hai là các vấn đề cải cách thể chế hiện nay bước vào những bước khó hơn như chống độc quyền, các vấn đề kỹ thuật như trên đã nói và chính sách công nghiệp.

Thứ ba là vấn đề các nhóm lợi ích có xu hướng vận động để đưa ra các chính sách phi thị trường có lợi cho nhóm của mình. Tôi rất kỳ vọng vào công cuộc chống tham nhũng hiện nay của Đảng có thể làm thay đổi vấn đề thứ ba này.

. Cũng trong hội thảo công bố báo cáo, có chuyên gia kinh tế nhận định: Cách thiết kế các quy định để gây khó cho DN hiện ở mức “tinh vi” hơn. Ông có đồng ý với nhận định này không? Những biểu hiện cụ thể nào cho thấy mức độ “tinh vi” ấy?

+ Sự “tinh vi” đó chính là những vấn đề kỹ thuật như trên tôi có nói. Tôi giả sử nếu như trước đây chúng ta nói chuyện giấy phép con thì chỉ cần đếm số giấy phép và các điều kiện đầu tư kinh doanh. Tuy số lượng có nhiều (vài ngàn) nhưng vẫn có thể ngồi rà soát và giải quyết được. Thế nhưng hiện nay, khi đi sâu vào các quy chuẩn kỹ thuật thì khối lượng công việc lớn hơn rất nhiều. Các quy chuẩn này lại luôn đòi hỏi những người có chuyên môn sâu thì mới có thể rà soát, phản biện được.

Tôi đơn cử như quy định về đăng kiểm phương tiện giao thông đang nóng hiện nay. Trong chúng ta, ai cũng có cảm giác chu kỳ đăng kiểm quá ngắn, gây khó khăn cho cả người dân và DN vận tải. Tuy vậy, nếu bây giờ bảo chúng ta đưa ra đề xuất kéo dài chu kỳ đăng kiểm bao nhiêu là phù hợp thì chúng ta không làm được. Thậm chí những người có chuyên môn về đăng kiểm cũng không thể nói rằng chu kỳ đăng kiểm là bao nhiêu.

Cả xã hội buộc phải dựa vào vài cá nhân có chuyên môn tại Cục Đăng kiểm để đưa ra quyết định. Và nếu những cá nhân đó không trung thực, khách quan mà lại có lợi ích nhóm thì việc họ lợi dụng đưa ra quy định làm bất hợp lý ở mức “tinh vi” thì xã hội cũng khó mà phản biện được.

Hai vai trò của Quốc hội

. Ý kiến của DN cho rằng: Quốc hội cần có những “chuyên gia đặc biệt xuất sắc” để giúp nhận diện các “chiêu thức” của cơ quan quản lý trong thiết kế các quy định pháp luật hoặc có ý kiến cho rằng cần phải bỏ nhiều luật được cho là không cần thiết. Ông thấy những ý kiến này nên được tiếp thu và triển khai thế nào?

+ Tôi vẫn tin rằng trong công tác làm luật, Quốc hội nên đóng hai vai trò. Vai trò thứ nhất là làm ra một số đạo luật nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân đã được quy định trong hiến pháp và đối với DN là quyền tự do kinh doanh. Vai trò thứ hai là thẩm định các đề xuất xây dựng luật trong các lĩnh vực chuyên môn của bộ, ngành khác.

Đối với vai trò thứ hai này, nếu Quốc hội có các chuyên gia đặc biệt xuất sắc thì tốt nhưng cũng rất khó đòi hỏi các vị đại biểu Quốc hội phải sâu sát từ chứng khoán cho đến bảo tồn, từ di sản cho đến viễn thông. Do đó, Quốc hội không nên đóng vai làm Luật Chứng khoán hay Luật Viễn thông, mà chỉ nên làm tốt công tác thẩm định các luật này.

Nói nôm na, việc thẩm định tức là Quốc hội cần kiên quyết gạt mọi điều luật không rõ ràng, không minh bạch do các bộ đề xuất; gạt mọi điều luật không tính toán được tác động chi phí - lợi ích đến người dân và DN; gạt những quy định có hơi hướng cài cắm chính sách để trục lợi.

. Xin cảm ơn ông.•

Nhấn mạnh tính ổn định của pháp luật

. Phóng viên: Trình bày báo cáo tại hội thảo, ông có nói rằng tính ổn định của pháp luật là cần thiết nhưng hệ thống pháp luật cũng không thể bất biến. Theo ông, điều này có mâu thuẫn không và giải pháp nào để pháp luật theo được cuộc sống mà không cản trở cuộc sống?

+ Ông Nguyễn Minh Đức: Báo cáo dòng chảy pháp luật năm nay chúng tôi dành một chương để nói về tính ổn định của pháp luật. Điều này xuất phát từ khảo sát hằng năm của VCCI cho thấy khả năng dự đoán của DN đối với sự thay đổi pháp luật đang giảm dần theo thời gian. Xu hướng này rất đáng quan ngại, đặc biệt là với những dự án đầu tư lớn và với các DN tư nhân trong nước.

Tôi tin rằng với sự thay đổi rất nhanh của đất nước thì hệ thống pháp luật cũng phải thay đổi theo. Tuy nhiên, nếu pháp luật thay đổi nhanh quá thì DN rất khó có thể đầu tư, kinh doanh bởi đây đều là những việc cần lên kế hoạch dài hạn. Do đó, việc giữ ổn định hệ thống pháp luật tức là tạo niềm tin cho các DN là không có những thay đổi cực đoan, thay đổi đột ngột.

Tuy nhiên, tôi có cảm giác rằng cách xây dựng và thực thi pháp luật của Việt Nam thường nhảy từ thái cực này sang thái cực khác. Có lúc thì chúng ta đưa quy định quá lỏng nhưng khi có sự cố xảy ra thì ngay lập tức đưa quy định quá chặt. Những điều này khiến môi trường kinh doanh thiếu tính ổn định.

Nhiều quán karaoke đóng cửa vì đang gặp khó trong quy định mới về PCCC. Ảnh: THU HÀ

Nhiều quán karaoke đóng cửa vì đang gặp khó trong quy định mới về PCCC. Ảnh: THU HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm