Thực hiện nghiêm quy định PCCC: Doanh nghiệp karaoke chết điếng

(PLO)- Sau nhiều tháng tạm ngưng để thực hiện các quy định về PCCC, hàng loạt đơn vị kinh doanh karaoke ở TP.HCM cho biết đang gánh trên vai các khoản lỗ khổng lồ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhiều đơn vị kinh doanh karaoke cho biết đang lâm vào tình trạng kiệt quệ và đóng cửa vì vướng những rào cản trong việc cải tạo, sửa chữa lẫn quá trình chờ cơ quan chức năng nghiệm thu hệ thống PCCC.

Hàng loạt quán karaoke gánh lỗ để duy trì

Ông Lê Hoàng Việt, đại diện chuỗi karaoke Nnice ở TP.HCM, cho biết mỗi tháng đơn vị phải gánh khoản lỗ hàng tỉ đồng để chi tiền lương cho nhân viên, mặt bằng (đang tạm đóng cửa) và chi phí sửa chữa hệ thống PCCC. Trong khi đó, tới nay dù đã khắc phục xong hệ thống PCCC và báo cáo cơ quan chức năng nhưng vẫn đang chờ cơ quan chức năng tới thẩm định.

Tương tự, đại diện quán karaoke F.Y (quận 10, TP.HCM) cho biết sáu tháng qua không được hoạt động, đơn vị đã bỏ ra gần 6 tỉ đồng để hoàn thiện hệ thống PCCC, chưa kể tiền mặt bằng mỗi tháng 200-300 triệu đồng/cơ sở. “Quán sau khi sửa chữa, đơn vị PCCC đã xuống kiểm tra và không có yêu cầu làm thêm bất cứ hạng mục nào nhưng vẫn chưa được hoạt động vì phải chờ thêm ý kiến của các cơ quan, ban ngành khác” - vị đại diện cho biết.

Ông Huỳnh Văn Cường, chủ của năm cơ sở karaoke tại quận Gò Vấp, cũng “đứng ngồi không yên” trước số tiền hằng tháng phải chi trả khi không có doanh thu. “Tiền thuê các mặt bằng 100-380 triệu đồng/tháng. Tính tới thời điểm hiện tại, sau khi đã tiêu tốn hơn 12 tỉ đồng tiền sửa chữa hệ thống PCCC theo đúng quy định hiện hành, chuỗi karaoke vẫn chưa được kinh doanh trở lại” - ông Cường chia sẻ.

Khắc phục xong vẫn không được nghiệm thu

Theo ông Cường, trước khi đi vào hoạt động, nhiều cơ sở của ông đã đảm bảo được các tiêu chuẩn về PCCC và được thẩm định. Tuy nhiên, sau khi có yêu cầu cải tạo, sửa chữa theo Thông tư 147/2020 của Bộ Công an, bao gồm lắp đặt hệ thống báo cháy, hút khói, lối thoát hiểm, phương án PCCC tại chỗ… cơ sở đã khắc phục xong. Phía cơ quan chức năng không yêu cầu kiểm tra gì thêm nhưng các quán vẫn đang bị đình chỉ hoạt động kinh doanh.

Về nguyên nhân, ông Cường cho biết trong văn bản PC07 đề nghị thẩm duyệt thiết kế PCCC có nêu: Quán của ông xây dựng trên đất có mục đích sử dụng là nhà ở riêng lẻ, nên phải liên hệ cơ quan xây dựng có thẩm quyền để có ý kiến về sự phù hợp mục đích sử dụng nhà với công năng hoạt động của công trình.

Nhiều quán karaoke đang tạm đóng cửa và đang gánh nhiều khoản chi phí để chờ ngày được hoạt động trở lại. Ảnh: THU HÀ
Nhiều quán karaoke đang tạm đóng cửa và đang gánh nhiều khoản chi phí để chờ ngày được hoạt động trở lại. Ảnh: THU HÀ

“Cái khó là muốn làm được việc này thì doanh nghiệp phải điều chỉnh mục đích sử dụng đất thành đất thương mại dịch vụ. Dẫu vậy việc chuyển đổi này phải tùy vào vị trí chuyển đổi cũng như phải phù hợp với quy hoạch chung, nên doanh nghiệp rơi vào thế bí khi không tìm được đơn vị nào có chức năng xác nhận vấn đề đó” - ông Cường cho biết.

Ông Huỳnh Quốc Vương, chủ một quán karaoke tại TP Thủ Đức, cho biết đang “đuối” vì quy định PCCC thay đổi liên tục. Theo ông, trước đây các cơ sở kinh doanh karaoke đã được cơ quan chức năng thẩm định đủ tiêu chuẩn hoạt động, giờ có quy chuẩn mới, lại bắt khắc phục, sửa chữa trong vòng một tháng kể từ khi yêu cầu. Doanh nghiệp “vắt chân lên cổ” để làm, mà sau khi làm lại vẫn không được nghiệm thu.

Nếu đúng quy định chắc chắn được kinh doanh lại

Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an TP.HCM (PC07), khẳng định cán bộ không làm khó hay chậm trễ khi thẩm định PCCC cho các đơn vị kinh doanh karaoke.

Đại tá Tâm cho biết tất cả cơ sở thực hiện không đúng về an toàn PCCC đều đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động. Đồng thời, cơ quan chức năng yêu cầu lập hồ sơ thiết kế để được thẩm duyệt về PCCC theo các quy định hiện hành. Nếu các đơn vị thực hiện cải tạo theo đúng hồ sơ được thẩm duyệt thì chắc chắn sẽ được kinh doanh trở lại.

“Cơ sở nào đã sửa chữa nhưng chưa được mở cửa trở lại là chưa đảm bảo PCCC theo Quy chuẩn 06/2022. Hoặc do họ tự ý thực hiện sửa chữa, không gửi hồ sơ thiết kế thẩm duyệt, xong xuôi mới yêu cầu cơ quan chức năng xuống thẩm định, như vậy là không đúng quy trình” - Đại tá Tâm nói.

Đại tá Tâm cũng cho biết thực tế trong hơn 400 cơ sở ở TP.HCM không đủ điều kiện hoạt động, mới chỉ có hơn 20 đơn vị gửi hồ sơ thiết kế. Tuy nhiên, có những đơn vị hồ sơ thiết kế không đạt, có đơn vị hồ sơ thiết kế được thẩm định nhưng quá trình nghiệm thu lại không sửa chữa theo đúng thiết kế ban đầu.

Thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC mất rất nhiều thời gian

Ông Huỳnh Quốc Vương, chủ quán karaoke tại TP Thủ Đức, nhận định: “Theo yêu cầu mới, tất cả vật liệu từ trong phòng đến hành lang đều phải là vật không cháy nổ. Đã là vật không dễ cháy rồi tại sao còn cứng nhắc yêu cầu phải lắp thêm hệ thống tự động phun nước nữa? Tôi cho rằng cái chính của PCCC là phải đảm bảo lối thoát hiểm, đây mới là mấu chốt của vấn đề. Chưa kể tại sao trước đây đặt karaoke chung nhóm ngành nghề với rạp chiếu phim nhưng khi ra Quy chuẩn 06/2022 lại chỉ có riêng phụ lục yêu cầu về PCCC đối với karaoke, vũ trường?”.

Đại diện hệ thống karaoke Icool cho biết phía PC07 yêu cầu thẩm duyệt lại toàn bộ cơ sở karaoke trên địa bàn TP.HCM nhưng nghịch lý là dù quá trình thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC mất rất nhiều thời gian nhưng cán bộ quận đi kiểm tra lại yêu cầu quán phải xin thẩm duyệt lại trong vòng 30 ngày, nếu không sẽ thu hồi giấy phép hoạt động.

Một quán karaoke ở TP.HCM đang tạm ngưng hoạt động. Ảnh: T.HÀ
Một quán karaoke ở TP.HCM đang tạm ngưng hoạt động. Ảnh: T.HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm