Vì sao nhiều khách du lịch quốc tế chưa chọn Việt Nam?

(PLO)- Theo TS Phạm Trung Lương, visa là yếu tố rất quan trọng và đầu tiên cần được giải quyết để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 10-3, Báo Thanh Niên tổ chức hội thảo "Mở visa, phục hồi du lịch”. Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh niên đánh giá về thực trạng hiện nay cho thấy số lượng các quốc gia được miễn thị thực khi du lịch đến Việt Nam còn ít (24 quốc gia), thời gian được miễn thị thực rất ngắn (15 - 30 ngày).

Các phương án thay thế như cấp visa điện tử hay cấp visa tại cửa khẩu chưa phát huy được do thủ tục thực hiện còn phức tạp, thiếu nhân lực, công nghệ… So sánh với Thái Lan, quốc gia này miễn thị thực cho 65 quốc gia đồng thời miễn visa du lịch với thời hạn lên tới 45 ngày.

Toàn cảnh hội thảo "Mở visa, phục hồi du lịch".

Toàn cảnh hội thảo "Mở visa, phục hồi du lịch".

Ông Toàn cho rằng: "Chính sách visa là lý do hoàn toàn có thể khắc phục được ngay. Thực tế nhiều nước trong khu vực và trên thế giới cũng đã chứng minh chính sách visa thông thoáng, cởi mở, thuận lợi là giải pháp hiệu quả để thu hút khách quốc tế. Cũng vì lẽ đó, nhiều địa phương đã kiến nghị nới visa để thu hút du khách quốc tế."

Phát biểu tại hội thảo, TS Phạm Trung Lương, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cũng đặt câu hỏi: “Tại sao trong một thời gian rất dài khách quốc tế lại ngại đến Việt Nam? Tại sao họ chưa chọn Việt Nam? Việt Nam mở cửa đầu tiên sau COVID-19 nhưng lại phục hồi chậm nhất?".

TS Phạm Trung Lương, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch phát biểu tại hội thảo.

TS Phạm Trung Lương, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch phát biểu tại hội thảo.

Theo TS Lương có nhiều yếu tố quyết định ảnh hưởng việc lựa chọn điểm đến sau dịch. Đó là hình ảnh điểm đến, các giá trị hấp dẫn. Thứ hai là điều kiện để tiếp cận điểm đến, trong đó có visa. Tiếp theo là đường bay thẳng để du khách dễ dàng đến Việt Nam.

TS Lương khẳng định visa là yếu tố rất quan trọng và đầu tiên cần được giải quyết mà đã tồn tại lâu dài. Nếu chúng ta không khắc phục được điểm nghẽn này thì trong thời gian dài sẽ còn thiếu du khách quốc tế.

Hiện có 13 quốc gia được miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam và thời gian lưu trú quá ngắn. Để tháo gỡ điểm nghẽn, Chính phủ cần phải bắt đầu từ visa, mở thêm nhiều đường bay thẳng nữa. Nếu không đầu tư mở đường bay thẳng thì sẽ khó thu hút khách quốc tế.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) đề xuất Việt Nam mở rộng thêm các quốc gia để đưa vào danh sách miễn thị thực, nhất là đối với các nước phát triển, có thu nhập bình quân cao, chính trị ổn định và dễ dàng thuận tiện trong việc di chuyển tới Việt Nam.

"Chúng ta cần tăng thời gian miễn thị thực cho du khách điển hình các nước Châu Âu có thời gian thấp như 15 ngày nhưng lại có thời gian di chuyển dài" - ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.

Điểm nghẽn visa cần được giải quyết để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Điểm nghẽn visa cần được giải quyết để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho hay, ngành du lịch phục hồi khá nhanh sau dịch COVID-19 và đồng đều giữa các lĩnh vực. Tuy nhiên, sự phục hồi giữa du lịch nội địa và du lịch quốc tế chưa đồng đều.

"Để giải quyết bài toán ngành du lịch rất kỳ vọng trong việc tháo gỡ cơ chế, chính sách. Đồng thời, rà soát vấn đề visa để làm sao tốt hơn, mở rộng các nước miễn giảm visa, tăng thời gian lưu trú đối với khách tại một số thị trường ở lâu, chi tiêu dài ngày.

Chúng ta cần tránh tình trạng khách gần đến hạn visa phải quay về xin visa, từ đó làm giảm mức cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Chúng ta cần có sự thay đổi về các phần mềm, giao diện, tên miền, thời gian giải quyết và thông tin rộng rãi về các chính sách visa" - bà Hoa nói.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Dương Anh Đức kiến nghị: "Kéo dài thời gian hiệu lực của chính sách miễn thị thực lên 5 năm để các cơ quan, doanh nghiệp du lịch và đối tác xây dựng kế hoạch khai thác thị trường dài hạn. Cần nâng cấp tên miền trang thông tin cấp thị thực bằng tiếng Anh và ứng dụng công nghệ mới xử lý nhanh, thuận tiện hơn."

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm