Cảnh báo sụt lún, sạt lở diện rộng ở ĐBSCL - Bài cuối

Cần gói giải pháp căn cơ, đừng sạt lở đâu vá đó

Bàn về các giải pháp chống sạt lở cho đồng bằng sông Cửu Long (BĐSCL), các chuyên gia cho rằng tùy theo từng vùng có các đặc điểm tự nhiên khác nhau mà nguyên nhân gây sụt lún, sạt lở cũng khác nhau. Từ trước đến nay, đa số công trình chống sạt lở được xây dựng một cách tự phát, tức là xói lở ở đâu thì cố gắng làm công trình ở đó. Điều này dẫn đến lãng phí, chưa thống nhất, đôi khi chống sạt lở ở vùng này lại gây hại cho vùng khác.

Kết hợp nhiều giải pháp

Theo PGS-TS Đinh Công Sản, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chỉnh trị sông và phòng chống thiên tai, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, sạt lở bờ sông, kênh rạch đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng và trên diện rộng ở ĐBSCL. Tuy vậy, không thể sử dụng các biện pháp công trình chống sạt lở cho tất cả vùng sạt lở nguy hiểm như hiện nay mà cần phải kết hợp nhiều giải pháp.

Cụ thể, đối với bờ sông, kênh rạch cần cảnh báo, dự báo sạt lở trên hệ thống sông, kênh rạch. Đặc biệt ở những khu vực nguy hiểm, từ đó có biện pháp di dời cơ sở hạ tầng và dân cư ra khỏi vùng có nguy cơ cao. Đồng thời, chú trọng tuyên truyền giáo dục cộng đồng, duy tu bảo dưỡng công trình chống sạt lở đã xây dựng.

“Cần nghiên cứu nguyên nhân gây ra xói lở. Xây dựng quy hoạch chỉnh trị hệ thống sông, kênh rạch lớn để đảm bảo lợi ích của tất cả ngành kinh tế. Từ đó bố trí dân cư và cơ sở hạ tầng phù hợp với quy hoạch chỉnh trị sông, để khi xây dựng công trình chống xói lở không ảnh hưởng hay gây hại cho các ngành và các vùng lân cận” - ông Sản nói.

Cũng theo ông Sản, tùy theo quy mô của sông, kênh rạch, quy mô của vùng sạt lở để áp dụng các giải pháp công trình, từ thô sơ đến bán kiên cố và kiên cố.

Đối với những giải pháp bảo vệ bờ biển, cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, hướng dẫn sử dụng và phân vùng cho khu vực ven biển, quản lý tổng hợp vùng ven biển. Việc thực hiện các biện pháp bảo vệ bờ biển cần có không gian và có quy hoạch hợp lý, bởi hiện nay không gian dọc theo bờ biển bị phân chia và đang được quản lý, sử dụng theo nhiều thành phần khác nhau.

Cảnh tan hoang ở khu vực sạt lở sông Cái Côn (Hậu Giang). Ảnh: HẢI DƯƠNG

Ngoài ra, cần phục hồi hoặc trồng rừng ngập mặn phù hợp ở các vị trí có khả năng tái sinh rừng. Ngăn cấm sự can thiệp của con người vào rừng ngập mặn. Bên cạnh đó, cần hợp tác, thương lượng với các nước thượng nguồn sông Mekong để chuyển bùn, cát từ các hồ chứa thượng nguồn về hạ du…

Các giải pháp chống xói lở, bảo vệ bờ biển thường được chia làm hai nhóm: Nhóm giải pháp công trình cứng và nhóm giải pháp mềm. “Nhóm các giải pháp cứng bao gồm: Kè biển, kè mỏ hàn, đê ngầm phá sóng, kè mỏ hàn kết hợp đê ngầm phá sóng. Các giải pháp mềm gồm: Nuôi bãi, trồng rừng ngập mặn và đụn cát. Tuy nhiên, các giải pháp cứng đã được chứng minh là không hiệu quả nếu chỉ áp dụng đơn lẻ. Điều đó cũng đúng đối với các biện pháp phục hồi rừng ngập mặn và biện pháp mềm khác” - ông Sản phân tích.

Bảo vệ lòng sông

Theo ông Vũ Ngọc Luyện, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng thủy lợi thủy điện Nam Việt, hiện ở ĐBSCL đã thực hiện nhiều giải pháp chống sạt lở như đóng cọc, bê tông tự chèn, chén đá. Tuy nhiên, cần phải có biện pháp bảo vệ lòng sông. Lượng phù sa không được bồi lắng thì sạt lở càng gia tăng, chính vì thế cần có biện pháp giữ lại lượng phù sa.

“Nếu chỉ bảo vệ phần sạt lở ở chỗ này mà không bảo vệ chỗ khác thì sẽ gây sạt lở ở những chỗ tiếp giáp và bờ đối diện. Theo tôi, để mang lại hiệu quả lâu dài cần có nghiên cứu tổng thể, sau đó mới đưa giải pháp bảo vệ cho tổng thể thì mới đạt kết quả” - ông Luyện nói.

Đồng tình, ThS Đặng Hòa Vĩnh, Trưởng phòng Tài nguyên nước, Viện Địa lý tài nguyên TP.HCM, cho rằng các giải pháp hiện nay còn rời rạc. Tuy nhiên, vấn đề sạt lở liên quan đến cả chuỗi hệ thống, không phải là từng điểm. Nếu chống sạt lở ở điểm này thì điểm khác lại bị phá vì đó là sự cân bằng năng lượng. Phải có kế hoạch toàn diện cho toàn vùng, sau đó xem xét những nơi trọng điểm mới bắt đầu làm. Khi làm những nơi trọng điểm cũng cần đánh giá tác động để không ảnh hưởng đến những nơi khác.

Hiện tại, để tránh ảnh hưởng đến tính mạng, của cải người dân cần khoanh vùng nguy cơ trước, chỗ nào xung yếu quá thì cần khẩn cấp xử lý ngay và có kế hoạch di dời dân. “Chúng ta cần khoanh vùng nguy cơ để đánh giá, xem xét những nơi nào cần xử lý trước thì làm ngay. Tiếp đó, phải thực hiện quy hoạch toàn diện để phòng tránh” - ông Vĩnh nói.

Kè mềm tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ

Trao đổi với PV, ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết đối với vấn đề sạt lở đê biển, bờ biển, tỉnh đang thực hiện giải pháp kè mềm tạo bãi để khôi phục đai rừng phòng hộ.

Kè mềm tạo bãi với ba công nghệ kè là kè phi kim, kè đê trụ rỗng và kè ly tâm. Cả ba công nghệ này đã được triển khai và có kết quả bước đầu khả quan. Về nguyên lý, ba loại kè này có cùng tác dụng là tiêu sóng, tạo bãi để rừng phòng hộ phát triển làm lá chắn chống sạt lở bờ biển, đê biển. Sở dĩ sử dụng ba loại kè bởi mỗi loại có những ưu, khuyết điểm riêng.

Theo ông Nam, kè ly tâm đã được ứng dụng trên 10 năm, bảo vệ hiệu quả gần 30 km bờ biển, tạo được bãi, phát triển được lá chắn rừng phòng hộ nhưng chi phí và giải pháp thi công cao. Hai kè mới ứng dụng vào khoảng ba, bốn năm nay là kè phi kim và kè đê trụ rỗng. Hai loại này là những cấu kiện đúc sẵn, thi công nhanh, chi phí thấp hơn. Tuy nhiên, cần thêm thời gian để đánh giá toàn diện công nghệ nào tốt nhất để ứng dụng thống nhất.

Đối với sạt lở bờ sông, ông Nam cho biết tỉnh cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhưng chủ yếu vẫn là làm kè. Tuy nhiên, do hệ thống bờ sông nhiều nên chỉ thực hiện kè những nơi bị sạt lở, những tuyến đường huyết mạch. Để triển khai các giải pháp trên thì Cà Mau gặp khó khăn về kinh phí. “Chỉ với riêng những điểm sạt lở đang diễn ra hiện nay trên địa bàn tỉnh cần đến trên dưới 1.000 tỉ đồng. Chúng tôi đã và đang xin trung ương tìm nguồn hỗ trợ cho Cà Mau” - ông Nam nói.

TRẦN VŨ 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm