Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Đà Nẵng lần này gồm các ĐB Đinh Thế Huynh (Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư), Nguyễn Bá Sơn (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng), Nguyễn Thị Kim Thúy, Võ Thị Như Hoa, Ngô Kim Yến.
Tại cuộc tiếp xúc, cử tri Lê Du Kiếm (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) đã đề nghị QH chất vấn bộ trưởng GD&ĐT và cần xác định rõ cái gốc của việc học mà bộ này xác định là gì?
Cử tri Kiếm cũng cho rằng việc bắt ép học sinh học thêm một ngoại ngữ từ lúc còn nhỏ là không tốt. Bởi những học sinh còn rất nhỏ này điều trước tiên cần học là học tiếng mẹ đẻ cho tốt trước đã.
Cử tri Đà Nẵng đặt các câu hỏi cho Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng. Ảnh: LÊ PHI
Trả lời cử tri, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh cho hay theo chương trình làm việc của QH thì đa số các vị ĐBQH nêu vấn đề, có phát phiếu xin ý kiến để chất vấn bộ trưởng này hay bộ trưởng kia theo số đông. Các ĐBQH đề nghị chất vấn các bộ trưởng thì khi đó QH sẽ tập trung chất vấn bộ trưởng này hoặc bộ trưởng khác.
Về đề nghị làm rõ cái gốc của việc học là gì. Thường trực Ban Bí thư cho biết trung ương đã có nghị quyết về việc đổi mới căn bản, toàn diện về GD&ĐT, đã có luật về GD&ĐT. Trong đó xác định rõ những chủ trương, quan điểm, những giải pháp về đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT.
Theo ông Đinh Thế Huynh, việc học ngoại ngữ cử tri đưa ra chúng tôi cũng xin tiếp thu để phản hồi lại với Bộ GD&ĐT nghiên cứu.
“Học ngoại ngữ ở trường lớp nào thì phù hợp, có nhất thiết phải học ngoại ngữ từ lớp 1 không hay là lớp lớn mới học. Hay học ngoại ngữ nào, ngoại ngữ gì, cũng cần phải nghiên cứu. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải học nhiều ngoại ngữ vì chúng ta đang có mối bang giao với nhiều nước trên thế giới. Cho nên không chỉ tập trung vào một thứ tiếng nào, mà phải có đào tạo những người biết các thứ tiếng khác nữa thì lúc bang giao chúng ta có đủ người, đủ cán bộ am hiểu ngoại ngữ để thực hiện mối quan hệ ngoại giao về kinh tế, về chính trị, về các lĩnh vực” - Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Trước đó, dư luận xôn xao về việc Bộ GD&ĐT dự kiến xây dựng chương trình môn học tiếng Nga và tiếng Trung theo chương trình mới như đã xây dựng đối với tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nhật. Nhiều chuyên gia, nhà giáo đã bàn luận, phân tích về việc nên chọn ngoại ngữ gì. Những tranh cãi nên học tiếng Nga hay tiếng Trung cũng trở thành tâm điểm của dư luận.