Cần làm rõ đề xuất 'dao có tính sát thương cao' là vũ khí

(PLO)- Các cơ quan của Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ đề xuất bổ sung "dao có tính sát thương cao" vào nội hàm vũ khí thô sơ, vũ khí quân dụng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 28-12, tại phiên họp thứ 28, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết đồng ý bổ sung thêm bốn dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trong đó có Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Ba dự án Luật còn lại gồm: Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi) và Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Thứ trưởng Bộ Công an: 58% các vụ phạm tội dùng dao gây án

Liên quan đến dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay, Ủy ban này và các cơ quan đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá kỹ lưỡng đề xuất bổ sung "dao có tính sát thương cao" vào nội hàm vũ khí thô sơ, vũ khí quân dụng.

Đồng thời phân tích, làm rõ mối liên hệ giữa tỷ lệ gia tăng tội phạm với việc sử dụng dao có tính sát thương cao để tăng tính thuyết phục của đề xuất này.

Cần làm rõ căn cứ của đề xuất 'dao có tính sát thương cao' là vũ khí
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Ủy ban Pháp luật và các cơ quan cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để có quy định cụ thể hơn về cơ chế quản lý đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất - nhập khẩu dao có tính sát thương cao. Việc này để bảo đảm công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động tội phạm nhưng không làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và lao động hàng ngày của người dân.

Nêu ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng đề xuất mở rộng khái niệm vũ khí thô sơ bao hàm các công cụ sản xuất, đời sống như dao. "Các cơ quan cũng có ý kiến vì việc này tác động lớn"- Ông Trần Quang Phương nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho biết thực tế, trong số 40.000 vụ phạm tội liên quan đến vũ khí và vật liệu nổ, có trên 58% các vụ án liên quan đến việc sử dụng dao và vũ khí thô sơ.

Theo ông Lê Tấn Tới, dao xuất hiện trong các vụ phạm tội nghiêm trọng như giết người, bắt cóc, ma túy, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ… "Trong số các vụ án này, nhiều công an đang thi hành nhiệm vụ bị thương, thậm chí hy sinh”- Ông Tới nói và khẳng định thực tế đặt ra rất cần thiết sửa đổi dự án luật này.

Thuong-tuong-Nguyen-Duy-Ngoc.jpeg
Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an.

Giải trình thêm, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ Công an đã tiến hành nghiên cứu, phân tích kỹ các hành vi phạm tội trong suốt quá trình thi hành Luật để phát hiện các sơ hở, bất cập trong các quy định.

Theo ông Ngọc, từ cuối năm ngoái trở lại đây, tội phạm sử dụng công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ để cướp ngân hàng xuất hiện nhiều. Đây là sự việc rất ít xảy ra trước đại dịch COVID-19.

"Theo thống kê, các vụ phạm tội dùng vũ khí là dao gây án chiếm 58% vụ việc và 54% đối tượng. Từ đó có thể thấy rõ tính chất phức tạp"- Thứ trưởng Bộ Công an nói thêm.

Đề nghị cho ý kiến và thông qua dự án Luật tại kỳ họp 7

Về thời gian trình dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay, đa số ý kiến đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua dự án luật này tại kỳ họp 7 (giữa năm 2024) theo quy trình một kỳ họp.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị trình dự án Luật tại kỳ họp 7, thông qua tại kỳ họp 8 (theo quy trình 2 kỳ họp) hoặc trình thông qua 1 kỳ họp tại kỳ họp 8 (cuối năm 2024). Lý do bởi tại kỳ họp 7, Ủy ban Quốc phòng - An ninh đã phải chủ trì thẩm tra 5 dự án luật.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc khẳng định, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu, giải trình đầy đủ, căn cơ các vấn đề, để trình Quốc hội tại kỳ họp 7 theo phương án thông qua tại 1 kỳ họp.

"Nếu chậm triển khai đề xuất sửa đổi ngày nào thì tội phạm còn tiếp tục xảy ra ngày đó"- Ông Ngọc nói.

Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội cho ý kiến với dự án Luật trên tại kỳ họp thứ 7; xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8.

Trong quá trình chuẩn bị, nếu Chính phủ chuẩn bị tốt, đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 7 được đại biểu Quốc hội đồng thuận cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua dự án Luật tại kỳ họp thứ 7 theo quy trình 1 kỳ họp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm