Cần luật hóa quyền Chủ tịch nước ‘triệu tập Chính phủ’

Tại phiên làm việc chiều qua (19-2) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khi cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước, các ý kiến tại UBTVQH đều thống nhất báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước cần ngắn gọn nhưng phải có đánh giá tổng quát để thấy vai trò của Chủ tịch nước theo quy định của Hiến pháp. Làm sao thấy Chủ tịch nước là “người đứng đầu, thay mặt Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong đối nội và đối ngoại”, là chủ tịch Hội đồng Quốc phòng an ninh Quốc gia, “thống lĩnh lực lượng vũ trang”…

Cần cụ thể hóa quyền triệu tập Chính phủ

“Dự thảo báo cáo nói Chủ tịch nước tiếp xúc cử tri mấy trăm lượt, chỉ đạo giải quyết nhiều việc. Nhưng chưa nêu bật được cuối cùng đồng chí Chủ tịch nước chỉ đạo, điều hành công tác hành pháp như thế nào. Đồng chí có quyền triệu tập Chính phủ cơ mà. Làm sao tô đậm lên cho rõ cái vai trò đó của Chủ tịch nước” - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng góp ý.

Cùng quan điểm làm rõ vai trò của Chủ tịch nước trong hành pháp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng dự thảo báo cáo phải đưa thêm kiến nghị để làm sao thể chế hóa quy trình thủ tục Chủ tịch nước triệu tập Chính phủ vì Hiến pháp đã quy định. “Từ thời Chủ tịch nước Trần Đức Lương đến giờ chưa có lần nào Chủ tịch nước triệu tập Chính phủ. Có rất nhiều việc Chủ tịch nước thấy cần phải làm việc với Chính phủ nhưng ta chưa có cơ sở pháp lý cụ thể để làm việc này. Cần thì đưa luôn vào dự án xây dựng luật hay pháp lệnh gì đó tại khóa XIV để Chủ tịch nước triệu tập Chính phủ, làm rõ vai trò người đứng đầu quốc gia” - ông Phước nói. Ông Phước lấy ví dụ chẳng hạn phải luật hóa bắt buộc thực hiện một năm hay sáu tháng, Chủ tịch nước phải triệu tập Chính phủ, các tướng lĩnh để nghe vấn đề quốc phòng, an ninh quốc gia, vấn đề biển Đông...

Hoạt động đối ngoại của Chủ tịch nước đóng góp rất lớn vào việc nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Ảnh: TTXVN

Nhiều dấu ấn trong nhiệm kỳ

Góp ý cho dự thảo báo cáo, các ý kiến tại UBTVQH cũng cho rằng trong nhiệm kỳ Chủ tịch nước đã có nhiều dấu ấn trong công tác đối nội, đối ngoại; động viên sức mạnh của hệ thống chính trị, sức mạnh toàn dân, xây dựng quân đội; hành động trong thực hiện nghị quyết Trung ương IV khóa XI, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, công tác cải cách tư pháp…

“Trong nhiệm kỳ này, hai lần anh Sang (Chủ tịch nước Trương Tấn Sang) mời tôi sang nghe về tình hình chính sách dân tộc. Tôi thấy rất quý. Có cái anh gọi điện thoại ngay sang Chính phủ giải quyết như vấn đề di cư tự do, có cái anh có ý kiến ngay như chuyên đề công tác trong vùng đồng bào Mông. Đây là vai trò nguyên thủ trong thực hiện chính sách dân tộc, đoàn kết dân tộc” - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đánh giá.

Còn Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu thì ghi nhận dấu ấn trong hoạt động đối ngoại của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: “Hoạt động đối ngoại của Chủ tịch nước đóng góp rất lớn vào việc nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, vai trò của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc và các tổ chức phát triển. Các chuyến đi của Chủ tịch nước rõ ràng tăng thêm sức mạnh kinh tế cũng như quốc phòng an ninh. Điều này khá rõ nét nên báo cáo cần nhấn mạnh”.

Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng thì nhấn mạnh hình ảnh gương mẫu, giản dị, gần gũi của Chủ tịch nước trong vai trò người đứng đầu Nhà nước với những việc làm, hành động bảo đảm giữ vững nguyên tắc hiến định trong bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia, chế độ xã hội chủ nghĩa và ổn định chính trị…

Ban hành quyết định đặc xá cho 43.999 phạm nhân

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung trong nhiệm kỳ 2011-2016, Chủ tịch nước đã bổ nhiệm, miễn nhiệm nhiều nhân sự cấp cao của Nhà nước. Đã quyết định cho nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam đối với 3.157 người; cho thôi quốc tịch Việt Nam đối với 32.638 người. Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại: Chín phó chánh án TAND Tối cao; 66 thẩm phán TAND Tối cao, Tòa án quân sự Trung ương; 25 thẩm phán cao cấp; 771 thẩm phán trung cấp; 1.641 thẩm phán sơ cấp; bảy phó viện trưởng VKSND Tối cao; 50 kiểm sát viên VKSND Tối cao; ba kiểm sát viên VKS quân sự Trung ương; cho thôi giữ chức vụ đối với một phó chánh án TAND Tối cao. Ban hành các quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho 43.999 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam và 609 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù nhân ngày lễ lớn của đất nước.

Cũng trong nhiệm kỳ này, Chủ tịch nước đã ký quyết định bổ nhiệm chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam; thăng quân hàm cấp tướng cho 194 sĩ quan QĐND. Thăng quân hàm 119 sĩ quan Công an nhân dân, trong đó từ đại tá lên thiếu tướng là 92, từ thiếu tướng lên trung tướng là 20, từ trung tướng lên thượng tướng là sáu, từ thượng tướng lên đại tướng là một.

Chủ tịch nước cũng đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Nhà nước ta thăm cấp nhà nước tới 22 quốc gia trên thế giới; đón tiếp, hội đàm với 42 đoàn nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu các tổ chức quốc tế lớn thăm Việt Nam...

___________________________

“Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước” (Điều 90 Hiến pháp 2013)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm