Sáng 14-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc phiên họp thứ 44 với nhiều nội dung quan trọng. Đến buổi chiều, UBTVQH thông qua nghị quyết về việc công bố ngày bầu cử đại biểu QH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Theo đó, ngày bầu cử dự kiến là Chủ nhật 22-5. Đây là ngày bầu cử đã được kỳ họp 10, QH XIII ấn định tại Nghị quyết số 105/2015.
Không thể hạn chế quyền tiếp cận thông tin
Trong buổi họp sáng 14-1, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Tiếp cận thông tin (TCTT). Nhiều ý kiến tại Thường vụ cho rằng cần phải quy định rõ trong luật loại thông tin nào hạn chế người dân tiếp cận, loại thông tin nào không để tránh việc các cơ quan áp dụng tùy tiện. Đơn cử như việc lợi dụng dấu “mật” để cản trở quyền TCTT của người dân. Bên cạnh đó các ý kiến cũng cho rằng các cơ quan ăn lương ngân sách thì phải có trách nhiệm cung cấp thông tin cho người dân…
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lưu ý: “Anh cho người ta có quyền đóng dấu mật, họ đóng mật phát là xong. Anh phải quy định thông tin nào không phải là mật, thông tin nào là mật. Chứ để cửa cho người ta quyền đóng dấu mật là cấm người dân TCTT”. Theo đó, chủ tịch QH đề nghị phải quy định rõ trong Luật TCTT thông tin gì được tiếp cận, thông tin gì hạn chế tiếp cận, chứ không chờ luật khác quyết định.
“Luật bảo vệ bí mật nhà nước không thể quy định hạn chế quyền TCTT mà chỉ quy định bảo vệ bí mật nhà nước thế nào, giải mật thế nào. Phải như vậy Luật TCTT này mới có giá trị” - chủ tịch QH nói.
Các ý kiến khác tại UBTVQH cũng tán thành với ý kiến của chủ tịch QH, đồng thời đề nghị phải quy định rõ trong luật thông tin nào người dân được quyền tiếp cận, thông tin nào cấm và hạn chế người dân tiếp cận.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TP
Cơ quan nào phải cung cấp thông tin?
Theo Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật (UBPL) Phan Trung Lý, hiện có nhiều ý kiến đề nghị cần nghiên cứu mở rộng chủ thể cung cấp thông tin không chỉ có cơ quan nhà nước mà bao gồm cả các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước có sử dụng ngân sách nhà nước. Bởi vì có rất nhiều thông tin của các tổ chức, đơn vị này có liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường lại bảo vệ quan điểm “thu hẹp” phạm vi các cơ quan phải có trách nhiệm cung cấp thông tin cho người dân. Ông cho biết: “Nên dừng lại cơ quan nhà nước. Ở thế giới chỉ có Nam Phi, Ấn Độ “mở rộng” chủ thể phải cung cấp thông tin cho người dân nhưng tính khả thi không cao, nước ta lần đầu tiên làm luật quyền này, mở rộng ngay thì rất khó thực thi”.
Về nội dung này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu kết luận: “Ý kiến của UBPL đề nghị phải mở rộng. Không chỉ cơ quan nhà nước mà cơ quan hưởng lương ngân sách phải cung cấp thông tin khi công dân có yêu cầu. Nếu nói trường học, bệnh viện có cơ chế giá rồi thì không nói trong luật này là không thuyết phục. Đây là quyền tiếp cận của dân. Tôi cho rằng tất cả cơ quan cần phải cung cấp thông tin cho người dân, còn cái gì hạn chế đã nói trên rồi”.
Việc bảo vệ bí mật nhà nước phải quy định bằng luật Về thông tin thuộc bí mật nhà nước (khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật TCTT), dự thảo luật quy định việc tiếp cận các thông tin thuộc bí mật nhà nước thì thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan. Về nội dung này, trình bày báo cáo một số vấn đề lớn về dự án Luật TCTT, Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý cho hay có ý kiến cho rằng hiện nay việc bảo vệ bí mật nhà nước được quy định trong Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước là không phù hợp với tinh thần của Hiến pháp. Bởi vì theo quy định của Hiến pháp thì việc hạn chế quyền công dân chỉ có thể được quy định bằng luật. |