“Đây là luật quan trọng, nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin chứ không phải tạo ra rồi bó hẹp quyền đó của người dân. Vì thế phải có đợt rà soát, ra được danh mục bí mật nhà nước để công khai cho người dân chứ không như anh Sơn (Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn) nói đến cái giấy mời cũng đóng dấu mật nữa…”, ông Phan Trung Lý nói.
Cho ý kiến về dự án Luật tiếp cận thông tin, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng dự thảo luật đề ra quyền tiếp cận thông tin ở mức cao tuy nhiên có mâu thuẫn ở chỗ: Nếu đối tượng cấp thông tin không trả lời thì bị khiếu nại tố cáo. Nhưng điều 20 trong dự thảo luật lại cho phép quyền từ chối cung cấp thông tin nếu thông tin nếu nó gây hại đến an ninh quốc phòng, bí mật cá nhân…
“Quyền từ chối này mâu thuẫn với việc người ta cần. Nếu cứ quy định thế này thì Bộ Quốc phòng và Bộ Công an không có gì phải trả lời cả vì việc gì của hai bộ này chả liên quan đến an ninh quốc phòng”, Phó chủ tịch Quốc hội nói.
Ông cũng đề nghị cần phải làm rõ thông tin nào thuộc diện không được cung cấp, trong đó có danh mục thông tin bí mật của nhà nước. “Tuy nhiên việc quản lý danh mục bí mật nhà nước hiện nay có nhiều bất cập. Việc đóng dấu mật hiện áp dụng tràn lan. Thậm chí thư mời đi họp cũng đóng dấu mật", ông Sơn dẫn chứng. Theo đó, Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại các quy định hiện hành về cơ chế cung cấp thông tin, danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư… để đưa ra các quy định rõ ràng, minh bạch trong dự luật này. Ngay cả những nội dung, vấn đề thuộc phạm vi bí mật cũng cần quy định rõ thời gian có thể giải mật để người dân tiếp cận.
Cùng quan điểm trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa cũng cho rằng: “Việc đóng thông tin mật hiện nay rất lôm côm, không rõ ràng. Phải thực hiện lại thì sẽ tạo điệu kiện để người dân tiếp cận thông tin, cũng dễ cho cả cơ quan cung cấp thông tin”.
Theo báo cáo thẩm tra dự án Luật tiếp cận thông tin của Uỷ ban Pháp luật, hiện có nhiều luật chuyên ngành như Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước, Luật Lưu trữ... đã điều chỉnh việc tiếp cận đối với thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật đời tư, thông tin trong các tài liệu, hồ sơ đã được chuyển sang lưu trữ lịch sử, thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm toán, tố tụng. Đối với việc tiếp cận thông tin thuộc bí mật nhà nước, cần có giới hạn nhất định, nhằm bảo đảm lợi ích của quốc gia, của doanh nghiệp và của công dân. Theo đó, Thường trực Uỷ ban Pháp luật đề nghị Nhà nước sớm ban hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước để thay cho Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước theo hướng “Xem xét, sửa đổi các danh mục bí mật nhà nước nhằm mở rộng công khai”.
Báo cáo thẩm tra cũng cho biết hiện còn nhiều ý kiến khác nhau về chủ thể có quyền tiếp cận thông tin và chủ thể cung cấp thông tin. Trong đó chủ thể tiếp cận gồm công dân Việt Nam hay cả người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam; ngoài cá nhân, các tổ chức, doanh nghiệp cũng có nhu cầu tiếp cận thông tin. Về chủ thể cung cấp thông tin, ngoài cơ quan nhà nước (bao gồm cơ quan lập pháp, hành pháp, toà án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, kiểm toán nhà nước), có nên mở rộng ra cơ quan Đảng, các tổ chức chính trị-xã hội, các đơn vị quản lý nhiều thông tin liên quan đến đời sống xã hội.
Bộ trưởng Bộ tư pháp tại phiên họp về nội dung Luật tiếp cận thông tin sáng nay
Trước các ý kiến thảo luận tại UBTV QH, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu chỉnh sửa để trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự thảo luật này trong kỳ họp 10 (dự kiến vào tháng 10-2015 tới đây). Trong đó có một số vấn đề cần làm rõ như: Ai cung cấp thông tin, ai có quyền tiếp cận thông tin; Phân biệt và làm rõ danh mục thông tin nào bắt buộc phải công khai, thông tin nào không; các điều kiện đảm bảo thực thi luật…