Bà Lê Thị Thu Ba, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo CCTP trung ương.
Phóng viên: Bà mong muốn báo chí tham gia thế nào vào những cuộc tranh luận về cải cách tư pháp (CCTP)?
+ Bà Lê Thị Thu Ba, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo CCTP trung ương: Báo chí nên dựa vào chủ trương của Đảng. Khi có tranh luận, 2-3 luồng ý kiến thì mình phản ảnh trung thực. Bên cạnh đó nên bình luận xem các quan điểm đó có đúng định hướng cải cách chưa, đã phù hợp với thực tiễn chưa. Phải đặt CCTP trong tổng thể xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN, đáp ứng yêu cầu của đổi mới, phát triển KT-XH, thì mới thấy được tầm quan trọng của nó.
CCTP là những gì thuộc về thượng tầng, là tranh luận giữa các ngành tố tụng trung ương, giữa các nhánh quyền lực nhà nước. Vậy báo chí có thể gây hiệu ứng tác động thế nào?
+ Có chứ. Không ai nói ra, nhưng thực sự thời gian vừa qua, báo chí đóng góp phần quan trọng. Một bài báo hay, bình luận, phân tích sắc sảo tác động mạnh tới người làm chính sách. Những bài báo như thế tác động cả tới các vị ĐBQH vốn mỗi người mỗi nghề, không ai biết hết được mọi lĩnh vực. Báo chí vừa qua làm bộc lộ nhiều vụ tiêu cực, vi phạm trong hoạt động tố tụng. Nhà nước có hệ thống giám sát, kiểm sát hoạt động tư pháp, nhưng thường thì những việc báo chí điều tra kỹ lưỡng, phân tích sâu sắc, phản biện mạnh mẽ sẽ được quan tâm chỉ đạo làm rõ hơn. Báo chí tạo áp lực, thúc ép việc các cơ quan chức năng vào cuộc. Nhưng lưu ý đừng lồng ghép chính trị. Hãy lấy phục vụ nhân dân, bạn đọc làm mục tiêu.
Bà cảm nhận thế nào về sự lan tỏa ý tưởng cải cách của bên trên xuống dưới?
+ Nghị quyết 49 là văn bản quan trọng của Đảng chỉ đạo định hướng cho CCTP, nhưng nhiều năm đóng dấu MẬT. Ngay chúng tôi là người làm công tác tư pháp cũng khó tiếp cận, dẫn chiếu. Thế nên giai đoạn đầu, các cơ quan báo chí rất rụt rè đưa tin. Phải tới 2010 mới được giải mật. QH đã thông qua Hiến pháp 2013 và nhiều nội dung, giá trị mới của nó đang được tiếp tục cụ thể hóa vào luật, trong đó có các luật về tư pháp. Nếu không chủ động tuyên truyền, chuẩn bị tư thế cho cán bộ tư pháp địa phương đón nhận thì khi triển khai các luật mới sẽ gặp nhiều khó khăn.
Báo chí có thể tham gia được gì?
+ Tôi mong muốn các bạn ưu tiên hơn cho chủ đề tư pháp. Không chỉ viết bài về quá trình xây dựng, thảo luận các luật, mà khi ban hành rồi, tiếp tục mổ xẻ, phân tích các quy định mới. Báo chí cũng nên chủ động lấy ý kiến phản hồi từ cơ sở để xem vướng mắc trong thực tiễn ra sao, qua đó các cơ quan trung ương nắm bắt tình hình, kịp thời có hướng dẫn. Tư pháp có nhiều cái để viết, để khai thác lắm. Chẳng hạn tại sao thẩm phán tối cao chỉ còn 13-17 người, chức năng, nhiệm vụ có gì mới? Kết hợp giữa tố tụng tranh tụng với tố tụng thẩm vấn thế nào để nâng cao hiệu quả tư pháp hình sự? Có thể khắc phục tình trạng thiếu luật sư bằng giải pháp mở cho người trợ giúp pháp lý vào tham gia các vụ án hình sự không?
Vừa rồi, sau vụ án Nguyễn Thanh chấn, báo chí đưa rất đậm mảng oan sai trong tố tụng hình sự. Có những bình luận rằng báo chí bôi đen quá. Bà nghĩ thế nào?
+ Viết đừng trì triết quá thôi. Chứ còn sai thì phải chỉ ra, phân tích, mổ xẻ cho cơ quan tư pháp khắc phục. Những vụ án oan vừa qua, sai chủ yếu do nôn nóng, do trình độ nghiệp vụ hạn chế, chứ thường không phải do động cơ tiêu cực cá nhân. Tiêu cực nếu có thì thường ở việc bỏ lọt tội phạm, chứ làm oan thì không có đâu. Cho nên, thấy sai thì báo chí cứ phải đưa. Đưa tin để góp phần làm thay đổi nhận thức của cơ quan tố tụng các cấp, để phải có chỉ đạo, lãnh đạo củng cố lại đội hình. Với những việc chưa có kết luận cuối cùng, báo chí có thể điều tra, nhưng đưa tin phải khách quan, đa chiều về sự việc đó. Như vụ án Hồ Duy Hải, báo chí vừa qua đã phân tích rất sâu, chính xác về những thiếu sót, yếu kém trong quá trình khám nghiệm hiện trường, thu thập vật chứng, điều tra ban đầu. Điều tra viên đã trọng cung hơn trọng chứng, chỉ dựa vào lời nhận tội để buộc tội. Với những sai sót ấy, không thể coi là nhỏ để rồi không điều tra lại.
Phát biểu trước các cộng tác viên tuyên truyền về CCTP hôm rồi, Phó thủ tướng, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần dùng bên ngoài để thúc đẩy cải cách bên trong. Vậy trong lĩnh vực tư pháp, nên hiểu thế nào?
+ Dùng bên ngoài có thể là tìm hiểu kinh nghiệm các nước để so sánh, thấy mình lạc hậu, còn nhiều điểm nghẽn thể chế phải cải cách, tháo gỡ. Bên ngoài còn có thể là ngoài ngành tư pháp, là xã hội, là dư luận báo chí về những điều hay, tốt, điều xấu, dở trong hoạt động tư pháp để thúc đẩy cải cách. Ngoài đây chính là đời sống của nhân dân, mong muốn, yêu cầu của người dân với các cơ quan tư pháp. Báo chí là cầu nối, phản ánh tâm tư, nguyện vọng ấy. Trong một số vụ việc cụ thể, tôi thấy báo chí phản ánh rất tốt. Như vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, nhiều tờ báo đã mổ xẻ, phân tích trách nhiệm của Vietinbank. Ngân hàng không thể phủi tay, vô can khi để một nhân viên của mình lợi dụng vị trí, con dấu mà lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng nhiều đến như vậy. Chính báo chí đã góp phần tạo áp lực, và kết quả cấp phúc thẩm đã phải hủy một phần bản án để điều tra lại.
Từ thực tế như vậy, Ban Chỉ đạo CCTP trung ương đã có những giải pháp gì để tạo điều kiện và khuyến khích báo chí tham gia vào lĩnh vực gai góc này?
+ Từ kiến nghị của Ban Chỉ đạo CCTP trung ương, Bộ Chính trị đã giải mật Nghị quyết 49 về chiến lược CCTP. Các thảo luận cải cách đã đi đến nhận thức mơi về vai trò của báo chí, và tháng 8-2014, Ban Chỉ đạo đã ban hành kế hoạch 38 đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo CCTP cũng sốt ruột lắm. Đồng chí luôn nhắc phải khẩn trương triển khai kế hoạch tuyên truyền, bởi cải cách mà thiếu báo chí đồng hành là không được. Các cuộc họp của Ban Chỉ đạo CCTP trung ương trước đây thường đóng kín, giờ thì đã mời một số báo chuyên ngành pháp luật tham dự, đưa tin. Văn phòng Ban Chỉ đạo đã phối hợp với Ban Tuyên giáo trung ương mở hội thảo, trang bị kiến thức về CCTP cho các tuyên truyền viên trong hệ thống Đảng. Lần đầu tiên đã có những tọa đàm chuyên đề về CCTP trên truyền hình, phát thanh. Sắp tới, chúng tôi sẽ hội thảo chuyên đề với các cơ quan báo chí để phóng viên có thêm kiến thức sâu hơn về lĩnh vực này.
Nhưng liệu sự cởi mở này của Ban Chỉ đạo đã lan tỏa tới tất cả các cơ quan tư pháp chưa?
+ TAND Tối cao rất ủng hộ. Đồng chí Chánh án Trương Hòa Bình đang làm đề án mở kênh truyền hình tòa án. VKSND Tối cao cũng có một kênh riêng như vậy rồi... Nhưng thực tâm thì đâu đó vẫn còn dè dặt. Cơ quan tố tụng vẫn còn ngại ngần báo chí, sợ mở ra thì nhiều người soi vào, khó làm việc. Cái gì cũng vậy, ta khép kín lâu rồi, giờ mở ra thì cũng có dè dặt ban đầu. Qua báo chí, chúng tôi mong muốn lan tỏa tư tưởng cải cách xuống địa phương, xuống cơ sở. Bởi đó mới là nơi đụng chạm trực tiếp tới quyền, lợi ích của dân, tới quyền con người, quyền công dân.
Xin cảm ơn bà!