Sự phổ biến của internet không dây giúp mọi người dễ tiếp cận báo chí hơn, đến mức đi làm thì thôi, chứ về nhà, có khi mỗi người ôm điện thoại thông minh, máy tính bảng đọc báo. Với tôi, đọc báo là công việc, nhất là những tờ chuyên về pháp luật, những bài về lĩnh vực tư pháp. Còn nghỉ ngơi, thưởng thức thì thích đọc những bài về cuộc sống hơn - đời thường, nhẹ nhàng.
Ông Trần Công Phàn, Phó viện trưởng VKSND Tối cao.
Phóng viên: Coi đó là một phần của công việc thì ông đọc báo như thế nào?
+ Ông Trần Công Phàn, Phó viện trưởng VKSND Tối cao: VKSND Tối cao bố trí một bộ phận trong Văn phòng chuyên đọc báo, điểm báo. Giao ban hàng tuần của lãnh đạo viện thì mục đầu tiên là nghe điểm báo toàn quốc, xem tuần qua có những vấn đề gì đáng chú ý, liên quan tới ngành, liên quan tới hoạt động của các cơ quan tố tụng. Thành nề nếp nhiều năm nay rồi. Những vụ, việc được báo chí nêu được phân loại, cái nào kiểm tra, cái nào yêu cầu báo cáo, yêu cầu chỉ đạo làm rõ... Ngoài ra, trong ngày mà có vấn đề, vụ việc nào báo chí nêu thấy cấp bách, nghiêm trọng thì cũng phân công bộ phận chức năng để kịp thời kiểm tra, xử lý. VKSND Tối cao từ năm 2012 đã lập ban chỉ đạo tuyên truyền, các VKSND từ trung ương tới địa phương đều phân một đồng chí phó viện trưởng phụ trách công tác này. Ngoài tờ báo riêng của ngành, VKSND Tối cao cũng hợp tác với Truyền hình CAND mở một chương trình truyền hình KSND. Những việc như vậy vừa giúp XH hiểu rõ hơn về ngành kiểm sát, vừa thúc đẩy ngành nâng cao hiệu quả hoạt động.
Vừa rồi, báo chí quan tâm nhiều về tình hình oan, sai trong tố tụng hình sự. Phụ trách mảng báo chí của ngành kiểm sát, ông thấy thế nào?
+ Qua theo dõi thì tôi thấy vấn đề này thường bùng lên khi tờ báo nào đó phát hiện một vụ có dấu hiệu oan, sai nghiêm trọng. Như vừa rồi là vụ ông Nguyễn Thanh Chấn. Một vụ thôi, nhưng nhiều báo khai thác, mổ xẻ nhiều khía cạnh, thành ra cảm giác là nhiều. Chúng tôi, trước những việc như vậy, áp lực lắm. Phát biểu trước QH hôm rồi, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình nói rõ nhận thức của ngành là phá hàng chục ngàn vụ án chưa chắc có thành tích, nhưng làm oan, sai một vụ là chắc chắn bị kỷ luật. Nói thật, nhiều khi thấy tủi thân. Bạn đọc bây giờ quan tâm nhiều hơn những thông tin mang tính phản biện, trái chiều. Thấy để lọt, để oan là phê phán được ngay, chứ cái khó khăn, vất vả của anh em thì ít ai biết. Báo chí nêu những mặt hạn chế ấy là đúng, là cần thiết, là áp lực để chúng tôi hoàn thiện mình hơn. Nhưng cũng mong phản ánh sao cho khách quan, xây dựng, đúng mực để nhân dân thấy, hiểu đúng bản chất tình hình.
Khi đọc một bài báo phản ánh vụ việc có dấu hiệu oan hoặc bỏ lọt tội phạm, ông quan tâm nhất điều gì?
+ Đầu tiên là phải xem có thông tin gì mới không. Nếu vẫn là tình tiết, chứng cứ cũ thì xem có lập luận, phân tích, đánh giá gì mới không. Nói chung, phát hiện tình tiết mới hoặc có những đánh giá mới mà bản thân người lãnh đạo chưa được nghe báo cáo, thì sẽ yêu cầu cấp dưới giải thích ngay. Nhưng tôi thấy tình tiết mới là không nhiều. Báo viết thường dựa vào chính hồ sơ vụ án, thường đã qua nhiều cấp phân tích, đánh giá toàn diện rồi. Giữa phân tích của báo với các cơ quan tố tụng thường khác nhau ở nhìn nhận, đánh giá chứng cứ, tình tiết vụ việc.
Khi báo chí phản ánh những việc có dấu hiệu oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm đấy, ông có thấy áp lực không?
+ Có. Nói thật, có lúc báo chí đưa tin không chính xác, gây khó cho anh em làm án. Nhưng nói chung, càng áp lực, chúng tôi càng phải thận trọng. Ngay cả khẳng định là oan, là sai rồi thì cũng cần bình tĩnh đánh giá nguyên nhân thế nào. Do thiếu trách nhiệm, đến mức bỏ qua các nguyên tắc nghề nghiệp, hay do đánh giá, nhận thức tại thời điểm giải quyết sự việc chỉ đến vậy thôi... Như vụ ông Chấn, VKSND Tối cao chủ động thúc đẩy, họp báo giải oan đấy, nhưng khi xử lý cũng tâm tư khi phải xử lý trách nhiệm đến mức khởi tố cả điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán. Có người nói, vụ giải oan này, kiểm sát có công, chúng tôi không dám nhận, vì làm oan ông ấy có trách nhiệm của ngành.
Báo chí đưa tin về hoạt động tư pháp đúng hay sai tùy thuộc rất lớn vào nguồn thông tin mà phóng viên tiếp cận được. Ngành kiểm sát có giải pháp gì để hỗ trợ cho hoạt động của phóng viên không?
Chúng tôi hiểu rằng một vụ án được điều tra, truy tố, rồi xét xử công khai thì các tình tiết, lập luận của nó chỉ có người trong cuộc, hoặc rộng lắm là những người dự phiên xử biết được. Nhưng một bài báo viết về nó, lên mạng là cả vạn người coi. Do đó rất mong muốn anh em báo chí phối hợp chặt chẽ với VKS các cấp để có thông tin chính xác. Về phía ngành, bằng các tờ báo, kênh thông tin của mình, chúng tôi cố gắng giới thiệu để bạn đọc hiểu hết hoạt động của VKS. Như thế sẽ bớt đi những gì hiểu nhầm, lệch lạc.
Xin cảm ơn ông!