Dự luật này có tầm quan trọng đặc biệt, khi quyền TCTT được coi là “quyền gốc” giúp người dân thực hiện các quyền khác đầy đủ hơn. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với GS-TS Nguyễn Đăng Dung (Chủ nhiệm bộ môn Hiến pháp, khoa Luật ĐHQG Hà Nội) về một số vấn đề của dự luật.
Tổ chức cung cấp dịch vụ công cũng phải cung cấp thông tin
. Quá trình xây dựng dự án luật có ba quan điểm về đối tượng phải có trách nhiệm cung cấp thông tin. Quan điểm thứ nhất đề nghị là tất cả cơ quan nhà nước bao gồm cả ba nhánh lập pháp, hành pháp, tư pháp.Quan điểm thứ hai: Chỉ giới hạn ở cơ quan hành chính nhà nước.Quan điểm thứba gồm tất cả cơ quan, tổ chức sử dụng tài sản, ngân sách nhà nước.Ôngtheo quan điểm nào, vì sao?
+ Vâng, đúng là trong quá trình soạn thảo Luật Tiếp cận thông tin (TCTT) có ba quan điểm như vậy. Dự thảo đang viết theo quan điểm thứ hai.
Quan điểm (3) bao gồm tất cả tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước, tức là mở rộng hơn hai quan điểm trên, bởi ngân sách nhà nước là tiền bạc đóng thuế của nhân dân, người và tổ chức sử dụng ngân sách phải minh bạch, tránh các hiện tượng tham nhũng nên phải cho người dân tiếp cận.
Nhưng quan điểm của tôi còn rộng hơn nữa, bao gồm cả các tổ chức cung cấp dịch vụ công như trường học, bệnh viện, nhà cung cấp thực phẩm, bếp ăn… Cho dù họ là tư nhân thì cũng phải cung cấp thông tin nếu hoạt động của họ có liên quan đến quyền và lợi ích của người dân. Lý do vì đây là đạo luật quy định quyền con người, quyền của các quyền. Nếu quyền này không được bảo đảm thì có nguy cơ các quyền khác không được bảo đảm thực hiện.
. Dự thảo luật giới hạn người yêu cầu cung cấp thông tin chỉ là “công dân”, vậy còn các “tổ chức” thì sao? Hiện nay các tổ chức cũng có nhu cầu được cấp thông tin, chẳng hạn các tổ chức NGOs, các viện nghiên cứu, đặc biệt là các cơ quan báo chí. Quy định của dự thảo luật phải chăng đã loại bỏ quyền(đặc biệt hơn)được yêu cầu TCTT của cơ quan báo chí, các nhà báo?
+ Luật TCTT là loại luật đảm bảo quyền cơ bản của con người. Một khi đó là quyền con người được hưởng thì lẽ đương nhiên nhiều người hợp thành các tổ chức được thành lập theo pháp luật Viêt Nam cũng được quyền TCTT nếu thông tin đó phục vụ cho cuộc sống và hoạt động của các thành viên trong tổ chức. Trước hết, các tổ chức NGOs, viện nghiên cứu và các cơ quan báo chí cũng được hưởng các quyền TCTT như các công dân. Còn sự ưu tiên đặc biệt hơn chắc phải dựa vào văn bản pháp luật chuyên ngành. Ví dụ như cơ quan báo chí phải dựa vào Luật Báo chí chẳng hạn. Một hành vi không nhất nhất chỉ dựa vào một loại luật.
Báo chí vẫn khó tiếp cận hoạt động công khai của tòa án dù đã có thẻ hành nghề.
Chỉ cung cấp thông tin “có sẵn”
. Để bảo đảm tính khả thi của dự án luật, quan điểm của ban soạn thảo là các cơ quan sẽ chỉ cung cấp thông tin do mình tạo ra và có sẵn. Ông có đồng tình với quan điểm này không?
+ Không hẳn như vậy. Cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp những thứ của mình làm ra/tạo ra. Riêng thông tin của chính cơ quan tạo ra cũng có rất nhiều loại, những cái có sẵn thì lẽ đương nhiên phải cung cấp; những thứ mặc dù tạo ra nhưng qua thời gian chúng nằm ở các kho lưu trữ, không có hiện diện tại nơi cung cấp thì phải theo yêu cầu của người dân. Nếu yêu cầu của người dân quá phức tạp, quá nhiều, việc cung cấp tốn nhiều công sức thì phải kèm theo một khoản lệ phí nhất định.
Với những thông tin có ở cơ quan nhưng không phải do cơ quan tạo ra mà được cung cấp từ những nguồn khác, trong trường hợp này nên chỉ dẫn cho người dân lấy ở đâu thì chính xác hơn.
. Dự luật quy định những trường hợp cơ quan được yêu cầu có quyền từ chối việc cung cấp thông tin. Trong đó có trường hợp: “Văn bản được yêu cầu cung cấp thông tin không nêu rõ lý do yêu cầu hoặc lý do yêu cầu cung cấp thông tin không phù hợp”. Quy định này có hợp lý và khả thi hay không khi việc sử dụng thông tin thế nào là quyền của người yêu cầu?
+ Đây mới là dự thảo, cần có sự đóng góp của mọi người. Nếu quy định như vậy cũng chưa thật hợp lý. Người dân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin “để biết”.
“Hai mặt của một đồng xu”
. Một trong những rào cản quyền TCTT là tình trạng lạm dụng dấu“mật”. Dự thảo luậtchỉ quy định chung những thông tin bị hạn chế tiếp cận trong đó có thông tinthuộc bí mật nhà nước, bí mật cá nhân…Như vậy “dấu mật” vẫn sẽ tiếp tục là rào cản của quyềnTCTT trong tương lai nếu luật về bí mật nhà nước đang được xây dựng không làm rõ được việc này?
+ Luật này theo quan điểm của tôi thì nó rất gắn với Luật Bí mật quốc gia. Thậm chí với Luật Bí mật quốc gia và Luật TCTT như hai mặt làm nên một đồng xu hay một tấm huy chương. Nếu các quy định về bí mật đưa vào một phần của Luật TCTT thì quá tốt. Cho đến hiện nay chúng vẫn đứng riêng rẽ nhưng tiếc rằng dự thảo Luật Bí mật quốc gia vẫn chưa được đưa vào chương trình lập pháp của Quốc hội. Tôi cho rằng trong trường hợp này Luật TCTT phải là luật chung, Luật Bí mật quốc gia như là luật chuyên ngành cần phải tuân theo Luật TCTT.
. Xin cám ơn ông.
Lạm dụng dấu “mật” và rào cản kỹ thuật •Nhóm nghiên cứu Sài Gòn truyền thông vừa hoàn thành nghiên cứu “Báo chí với quyền tiếp cận thông tin” theo đặt hàng của Ngân hàng Thế giới nhằm đưa ra các bằng chứng về các hạn chế của báo chí trong việc TCTT. Theo nghiên cứu này, với vai trò là “diễn đàn của nhân dân”, báo chí đã thực hiện quyền TCTT cho công dân bằng việc tiếp nhận, cung cấp và trao đổi thông tin. Tuy nhiên, quyền này như chưa hề có cơ chế để bảo đảm thực thi mặc dù có tới gần 50/330 luật, pháp lệnh có nội dung liên quan đến quyền TCTT. Hơn thế, nhiều rào cản đã hạn chế những quyền này, như tình trạng lạm dụng dấu “mật” hoặc sử dụng các rào cản kỹ thuật... Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến đạo đức báo chí, kiến thức, kỹ năng nhà báo cũng có những ảnh hưởng, tác động nhất định. •Để khắc phục, nhóm nghiên cứu kiến nghị cần luật hóa các quy định bảo vệ bí mật nhà nước theo hướng: - Phân biệt chi tiết các loại thông tin thuộc diện mật, tuyệt mật, tối mật; quy định rõ những nội dung thuộc bí mật của các cơ quan, các bộ, ngành; quy định những chế tài nghiêm khắc đối với hành vi lạm dụng con dấu mật của các cơ quan nhà nước; quy định các thông tin không được phép tiếp cận phải phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và Hiến pháp, phải do Quốc hội quyết định chứ không phải do các cơ quan hành chính nhà nước quyết định, nhằm tránh sự tùy tiện trong việc đóng dấu mật trên các văn bản đồng thời gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước khi xác định trách nhiệm của mình trong việc xác định thông tin nào phải công khai, công khai dưới hình thức nào và khi nào; •Xác định thời hạn giải mật các thông tin phù hợp với Luật Lưu trữ… Để bạn đọc có cái nhìn rõ hơn thực trạng báo chí với quyền TCTT, từ 14 giờ đến 16 giờ 30 ngày hôm nay (16-4), báo điện tử Pháp Luật TP.HCM sẽ tổ chức giao lưu trực tuyến với nhóm tác giả báo cáo nghiên cứu gồm: Nhà báo ĐẶNG TÂM CHÁNH, Trưởng nhóm nghiên cứu, nguyên Tổng Biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị; nhà báo NGUYỄN VẠN PHÚ, TKTS Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn; bà TRẦN LAN HƯƠNG, chuyên gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Điều phối cuộc giao lưu: Nhà báo MAI PHAN LỢI, Phó TTKTS báo Pháp Luật TP.HCM. Bạn đọc có thể gửi câu hỏi cho ba vị khách mời từ bây giờ về địa chỉ: plo@phapluattp.vn. |