Đụng cái là ‘mật’, sao dân tiếp cận thông tin?

Hôm qua (12-8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) lần đầu tiên cho ý kiến về dự án Luật Tiếp cận thông tin, kể từ khi dự luật này được đề nghị xây dựng (năm 2008). Nhiều ý kiến đề nghị luật này phải là nền tảng pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được tiếp cận những thông tin liên quan trực tiếp đến đời sống của mình.

“Luật không phải để bó buộc dân thêm”

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai cho rằng cách thiết kế dự thảo luật dường như đang chia cắt việc cung cấp thông tin, gây khó khăn cho người dân tiếp cận những thông tin họ quan tâm. Trong khi đó, nhu cầu người dân muốn tiếp cận thông tin là rất lớn, nhất là những thông tin liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân như thông tin về dịch bệnh, thông tin về khu đất, về những dự án quanh nơi họ đang sống… “Do vậy, luật phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tiếp cận thông tin, phục vụ cho đời sống của họ” - bà Mai nói. Bà Mai cũng đề nghị cơ quan soạn thảo luật cần thiết kế một thiết chế để xã, phường có trách nhiệm giúp đỡ, hướng dẫn người dân vì khi cần thông tin gì phần lớn người dân sẽ đến xã, phường để hỏi.

Cùng quan điểm trên, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh: “Làm luật này là để tạo thuận lợi cho người dân chứ không phải bó buộc dân thêm”. Ông Lưu cũng đề nghị phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan cung cấp thông tin, tức “làm sao xử lý những trường hợp người dân đến yêu cầu trả lời thông tin đơn giản, phải được trả lời”. Đồng thời phải chỉ rõ ai là đại diện cho cơ quan nhà nước phải cung cấp thông tin - người phát ngôn hay bộ phận tiếp dân, để người dân biết để tìm đúng địa chỉ hỏi thông tin họ cần.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai: Luật phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tiếp cận thông tin, phục vụ cho đời sống của họ. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Sẽ rà soát, công khai danh mục bí mật nhà nước

Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng: “Việc quản lý danh mục bí mật nhà nước hiện nay có nhiều bất cập. Việc đóng dấu mật hiện áp dụng tràn lan. Thậm chí thư mời đi họp cũng được đóng dấu mật”. Theo đó, Phó Chủ tịch QH đề nghị rà soát lại các quy định hiện hành về cơ chế cung cấp thông tin, danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư… để đưa ra các quy định rõ ràng, minh bạch trong dự luật này. Ngay cả những nội dung, vấn đề thuộc phạm vi bí mật cũng cần quy định rõ thời gian có thể giải mật để người dân tiếp cận. Ông lấy ví dụ: “Điển hình là chuyện ông Thanh bị bệnh. Tôi nghĩ chuyện sức khỏe của cán bộ không đến mức bí mật. Vì cứ coi là bí mật nên mới sinh ra nhiều chuyện phức tạp, báo chí đưa tin, canh chụp ảnh từ xa, rồi độc quyền ảnh dẫn đến đồn đoán này nọ… Nếu công khai sớm sẽ xua tan những dư luận không cần thiết”.

Cùng quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của QH Nguyễn Kim Khoa cũng cho rằng: “Việc đóng thông tin mật hiện nay rất lôm côm, không rõ ràng. Phải thực hiện lại thì sẽ tạo điều kiện để người dân tiếp cận thông tin, cũng dễ cho cả cơ quan cung cấp thông tin”.

Về vấn đề này, báo cáo thẩm tra dự án Luật Tiếp cận thông tin của Ủy ban Pháp luật cho hay Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Nhà nước sớm ban hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước để thay cho Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước theo hướng “xem xét, sửa đổi các danh mục bí mật nhà nước nhằm mở rộng công khai”.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh: “Đây là luật quan trọng nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin. Vì thế phải có đợt rà soát, ra được danh mục bí mật nhà nước để công khai cho người dân chứ không để như anh Sơn (Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn) nói đến cái giấy mời cũng đóng dấu mật nữa”.

Do vậy luật phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tiếp cận thông tin, phục vụ cho đời sống của họ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm