Cần phát hành trái phiếu vàng

Từ ngày 1-5, các ngân hàng thương mại phải chấm dứt phát hành chứng chỉ vàng theo Thông tư 11/2011. Do đó, người dân chỉ có thể bán, mua hoặc giữ ở nhà chứ không thể gửi tiết kiệm trong ngân hàng hay mua tín chỉ vàng để hưởng lãi suất như thời gian qua.

Khép cửa huy động

Trước đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cấm thanh toán, niêm yết bằng vàng, việc mua, bán vàng cũng phải đúng nơi đúng chỗ. Việc các ngân hàng thương mại chấm dứt huy động vàng từ ngày 1-5 đã đóng cánh cửa về vàng.

Nghị định 24 khẳng định vàng là tài sản hợp pháp, người dân có quyền mua, bán, giữ vàng ở nhà. Vấn đề đặt ra sau ngày 1-5 là: Người dân không muốn giữ vàng ở nhà thì phải làm sao? Ngoài ra, chúng ta mong muốn khai thác hàng trăm tấn vàng trong dân, mà từ ngày 1-5, các ngân hàng không được nhận tiết kiệm vàng nữa, vậy làm cách nào để khai thác bây giờ?

Khi cánh cửa này khép lại phải có cánh cửa khác mở ra để người dân lựa chọn. Để giải quyết vấn đề trên, Nhà nước cần có một thông tư khác thay thế, mở ra một kênh khác để thu hút vàng trong dân.

Cần phát hành trái phiếu vàng ảnh 1

Phải nhanh chóng giảm bớt tình trạng mua bán vàng vật chất. Ảnh: NGA SƠN

Nhà nước độc quyền huy động

Trước đây, NHNN để cho các ngân hàng thương mại huy động, phát hành chứng chỉ vàng. Nghị định 24 về quản lý vàng nói rõ Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng. Như vậy, Nhà nước cũng có thể độc quyền luôn cả việc huy động vàng miếng.

Toàn bộ số vàng sẽ quy về một mối là NHNN, sẽ tạo nên nguồn lực mạnh cho quốc gia. Việc NHNN độc quyền huy động vàng cũng tạo được niềm tin với người dân. Bởi người dân an tâm rằng tài sản của mình được đảm bảo hoàn toàn.

Trước đây các công ty tự niêm yết giá vàng. Mỗi thương hiệu có giá khác nhau cũng đã gây lộn xộn trên thị trường. Doanh nghiệp làm thông thường vì lợi nhuận nhưng khi NHNN làm là vì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và quan trọng hơn là để ổn định lòng dân. Thế nên NHNN sẽ không chạy theo lợi nhuận. Khi có vàng SBV thì Nhà nước sẽ làm khoảng cách giữa giá vàng trong nước và vàng thế giới hẹp lại. Đó cũng là cách để chúng ta đi nhanh chuẩn hóa vàng quốc gia SBV, tiến tới vàng quốc tế.

Sân chơi mới cho vàng

Ở nhiều quốc gia có sàn giao dịch vàng và người dân mua bán vàng qua sàn. Ở một số quốc gia lại không “đánh” vàng trên sàn, người mua không cầm vàng mặt trên tay mà họ quy ước số vàng tương đương dưới dạng nào đó như trái phiếu, ngân phiếu…

Ở nước ta, nếu ngay lập tức thành lập sàn vàng quốc gia thì chưa được. Bởi lẽ cần có thời gian để người dân từ bỏ thói quen giữ vàng vật chất. Muốn người dân bỏ thói quen này, ngay bây giờ Nhà nước nên nhanh chóng phát hành các dạng trái phiếu mang giá trị vàng. Với dạng này, người bán và người mua đều phải khai báo mã số thuế rõ ràng. Ở đó thể hiện rõ người mua là ai, người bán là ai và muốn chuyển nhượng cho ai. Từ đây Chính phủ vẫn có thể thu thuế. Nghĩa là việc mua bán vàng dưới dạng “chứng khoán hóa vàng” chứ không phải là vàng ảo.

Việc áp dụng hình thức này còn được kiểm tra, thanh tra nghiêm khắc. Nếu người dân mua 20 lượng vàng, sẽ được trao trái phiếu mệnh giá tương ứng số vàng ấy. Đơn vị nhận tiền phải mua về 20 lượng và cất trong kho.

Tất nhiên, khi NHNN phát hành trái phiếu, ngân phiếu… thì người dân hoàn toàn có thể hưởng lãi suất phù hợp. Nói cách khác, NHNN đứng ra huy động vàng và đứng ra trả lãi. Với số lượng vàng vật chất được quy tụ về một mối, NHNN có thể gửi ra nước ngoài, tăng dự trữ ngoại hối quốc gia.

Khi Nhà nước tạo ra một cánh cửa mới, một sân chơi mới thì dù ít hay nhiều vẫn sẽ có người tham gia, ít nhất là những người hiểu vấn đề này sẽ chơi. Họ chơi xong sẽ kể cho người khác. Lâu dần sẽ tạo thói quen cho người dân, giảm bớt thói quen mua bán vàng vật chất như hiện nay.

Sau hơn ba tuần Nghị định 24 về quản lý vàng được ban hành, giá vàng trong nước và giá thế giới đã xích lại gần nhau hơn. Điều đó cho thấy tác dụng tích cực trong việc ngăn chặn tình trạng đầu cơ làm giá.

YÊN TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm