Bài 2: Các dự án cao su tạo ra giá trị bền vững

SỨC SỐNG CAO SU VIỆT TRÊN ĐẤT BẠN CAMPUCHIA

Bài 2: Các dự án cao su tạo ra giá trị bền vững

(PLO)- Sau hơn 15 năm đầu tư dự án cao su tại Campuchia, nhiều công ty cao su Việt không chỉ đã đạt được nhiều thành công về hiệu quả kinh doanh, mà còn góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo công việc cho người dân sở tại. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sự thành công của các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực cao su tại Campuchia là kết quả của sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố thuận lợi về tự nhiên, chính sách, kinh nghiệm và công nghệ. Đây là một câu chuyện thành công đáng tự hào của doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư ở nước ngoài.

cao-su-Viet-st1.png

Đầu tư dự án cao su tại Campuchia không phải là hành trình suôn sẻ, nhiều công ty đã trải qua nhiều chặng đường khó khăn trước khi nhìn thấy hiệu quả kinh doanh.

Dù thời gian đã trôi qua hơn một thập niên, nhưng ông Nguyễn Hoàng Thắng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cao su Tân Biên (Kampong Thom) vẫn còn nhớ lần thử thách đầu tiên khi mới bước chân qua Campuchia thực hiện dự án đầu tư.

Hôm đó, ông Thắng cùng một cán bộ công ty đi định vị đất. Trên một chiếc xe máy, khi hai anh em đi sâu vào một vùng đất và đang xem bản đồ xác định ranh giới đất, thì người cán bộ đi cùng, cũng là phiên dịch công ty nghe được một nhóm người dân đang đứng gần đó đe dọa bao vây.

Hoảng sợ, cả hai anh em nhanh chóng leo lên xe chạy, theo sau đó là khoảng gần hai chục người cũng chạy xe máy bám đuôi. Chạy cả chục cây số, khi gặp đường lớn, nhóm người kia mới thôi đuổi theo.

“Sau đó tìm hiểu, chúng tôi biết rằng, người dân khu vực đó chưa được thông báo về dự án đầu tư nên có những hiểu sai về việc công ty cao su Việt Nam đến chiếm đất, làm mất đi nguồn kiếm sống của họ tại các khu rừng.

Sau đó, kết hợp với chính quyền địa phương giải thích mục đích của dự án đầu tư, đồng thời thực thi chiến lược nói đúng, hành động đúng đã thuyết phục được người dân nơi đây hoàn toàn tin tưởng. Và khi đó, chúng tôi thuận lợi hơn trong việc trồng cây, khai thác mủ cao su” – ông Thắng cho biết.

cao-su-Viet-Campuchia8.png

Ông Lê Quốc Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cao su Bà Rịa (Kampong Thom) nhớ lại, cách đây hơn 15 năm, khởi đầu đầu tư dự án tại Campuchia, khu vực dự án còn rất hoang vu không có đường đi lại, điều kiện sinh hoạt còn rất khó khăn.

“Nếu như ở Việt Nam, những người qua lập dự án vốn đã ở trong những ngôi nhà đầy đủ tiện nghi, thì khi sang Campuchia có những giai đoạn phải dựng lều, lấy nước suối nấu cơm, chưa kể chống chịu với cơn sốt rét.

Để đưa vật tư, máy móc, cây giống vào điểm trồng, phải di chuyển mất cả nửa ngày vượt suối, băng rừng. Thời điểm đó, sóng điện thoại chập chờn, mà giá cước thì đắt, cứ 1 USD/phút. Có khi gọi vài giây về nhà, mất sóng là mất 1 USD” – ông Hùng kể.

cao-su-Viet-Campuchia19.png
Sau hơn 15 năm đầu tư dự án cao su tại Campuchia, vượt qua khó khăn, nhiều công ty cao su Việt đã đạt được nhiều thành công về hiệu quả kinh doanh.

Sự gian nan cũng chưa có điểm dừng khi dự án cao su của công ty Bà Rịa nằm ở vùng đất ngập nước, cây cao su trồng mới chậm phát triển, dễ chết. Công ty đã phải đổ nguồn lực rất lớn để đào mương thoát nước, chống ngập úng với tổng chiều dài lên đến 600 km. Khi đó, tình trạng ngập úng mới hết, và cây cao su mới phát triển tốt cả trong mùa khô và nắng hạn.

Trồng thành công nhưng các công ty cao su Việt Nam rất vất vả trong việc nuôi dưỡng vườn cây. Dù đã khảo sát kỹ, nhưng thổ nhưỡng, thời tiết tại Campuchia có lúc gây chết cây, rồi chuột có lúc cắn phá một diện tích rất lớn vườn cao su, khiến phải trồng mới lại hoàn toàn.

cao-su-Viet-st2.png

Ông Lâm Thanh Phú, Tổng giám đốc Công ty Cao su Tân Biên cho biết, sau khi dự án đi vào khai thác, có những giai đoạn giá cao su rớt sâu khiến cho không đủ lợi nhuận để bù đắp chi phí đầu tư.

Nhiều lúc, ban điều hành công ty đã tự hỏi với nhau rằng, dự án có thực sự hiệu quả hay không, có nên tiếp tục vì nguồn lực đổ xuống quá lớn trong khi nguồn thu vẫn chưa đáng là bao. Nhưng mọi người vẫn nỗ lực động viên nhau cố gắng trụ vững. Sự kiên trì này đã được đền đáp.

Hiện nay, công ty đã tất toán các khoản nợ vay, hoạt động hoàn toàn bằng vốn tự có. Điều này cho phép công ty gia tăng thêm biên lợi nhuận và người công nhân có thu nhập tăng thêm.

cao-su-Viet-cam.png

Công ty cũng đã lọt vào nhóm câu lạc bộ các công ty cao su có năng suất khai thác trên 2 tấn/ha. Lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước. Tính riêng năm 2023, Tân Biên đã đạt lợi nhuận trước thuế hơn 113 tỉ đồng, và năm 2024 với tình hình giá mủ cao su đang tốt, công ty có khả năng đạt lợi nhuận vượt trên 115 tỉ đồng theo kế hoạch đặt ra.

Ông Trần Hoàng Giang, Tổng giám đốc Công ty Cao su Phước Hòa cho biết, sau 15 năm đầu tư, đến thời điểm này, dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế, kể cả mặt xã hội.

Từ năm 2021, Phước Hòa đã chuyển lợi nhuận về Việt Nam từ 1,5-2 triệu USD/năm. Tổng tài sản công ty đang dao động từ 65-70 triệu USD. Đặc biệt hơn, sản phẩm sản xuất ra đều được tiêu thụ hết nhờ đó lãi ròng luôn tăng mạnh theo năm.

“Tính hiệu quả kinh doanh của công ty có thể xem xét ở góc độ khác khi mỗi năm công ty đóng góp vào quỹ an sinh xã hội của địa phương các cấp hơn 37.000 USD và đóng góp quỹ môi trường hơn 17.000 USD. Ngoài ra, nhờ vùng dự án cao su của Phước Hòa giờ đây điện đã được kéo vào phục vụ cho người dân Campuchia tại khu vực này, có điện đồng nghĩa cuộc sống người dân sẽ tốt hơn” – ông Giang nói.

cao-su-Viet-Campuchia4.png

Theo ông Hoàng Hữu Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Cao su Bà Rịa, sau khi đi vào khai thác, hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị được nâng cao, sản lượng khai thác hàng năm của công ty đều vượt kế hoạch, doanh thu và lợi nhuận của Công ty đều ổn định qua các năm.

Đặc biệt, Công ty Cao su Bà Rịa là đơn vị đầu tiên có dự án trồng cao su tại Campuchia đã chuyển lợi nhuận về Việt Nam. Giai đoạn từ năm 2019 - 2023, tổng lợi nhuận đã chuyển về Việt Nam gần 428 tỉ đồng, bằng 60% tổng vốn điều lệ của số cổ đông góp vốn. Điều này khẳng định sự phát triển bền vững và hiệu quả qua 16 năm thực hiện dự án tại Campuchia.

“Với lợi nhuận mỗi năm đạt trên 100 tỉ đồng, cũng như tình hình kinh doanh tốt như hiện nay thì trong vòng 1 năm nữa, Bà Rịa sẽ hoàn vốn đầu tư 710 tỉ đồng” – ông Tuấn cho biết.

cao-su-Viet-Campuchia6.JPG
Việc đầu tư trồng cao su của doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tham gia góp phần phát triển kinh tế của địa phương cũng như tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động Campuchia.

Sự hiệu quả kinh doanh của nhiều công ty cao su Việt Nam còn thể hiện dấu ấn đậm nét qua việc các trụ sở được xây dựng ngày càng khang trang. Nhiều công ty đã xây dựng các nhà khách không khác các resort nằm dưới tán cây cao su. Tất cả phòng ốc đầy đủ tiện nghi. Điều này hoàn toàn khác biệt khi đặt chân qua Campuchia đầu tư hơn 15 năm trước, khi lúc đó, cũng chỉ là những dãy nhà tạm, điện nước thiếu thốn.

Tại các dự án cao su tại Campuchia, các công ty cao su Việt Nam không chỉ đơn thuần khai thác mủ cao su, mà đã xây dựng các nhà máy sản xuất sản phẩm chế biến sâu phục vụ cho các công ty sản xuất lốp xe, găng tay… Chiến lược này đã tỏ ra đúng đắn khi nhu cầu các lĩnh vực này tăng mạnh mẽ, giúp các công ty cao su Việt sản xuất đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Với việc kiểm soát được toàn bộ quá trình sản xuất, công ty cao su có thể tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, tăng lợi nhuận. Với năng lực sản xuất lớn, công ty có thể đáp ứng được các đơn hàng lớn, khách hàng khó tính.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) được xem là nhà đầu tư cao su lớn nhất tại Campuchia. Theo số liệu năm 2023, VRG đã có diện tích khai thác 85.281 héc ta, và đạt sản lượng là 140.829 tấn tại Campuchia. Dự kiến những năm tiếp theo sản lượng sẽ tăng trung bình 10% mỗi năm.

Dự án tại Campuchia đang là khu vực có sản lượng lớn thứ 2 của VRG, chỉ sau Đông Nam bộ. Khu vực này hiện có 9 nhà máy chế biến với công suất 118.900 tấn/năm. Sản phẩm cũng ngày càng đa dạng đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Các dự án tại Campuchia góp phần gia tăng năng lực sản xuất cao su thiên nhiên của VRG trong bối cảnh diện tích phù hợp cho phát triển cây cao su tại Việt Nam đang có xu hướng giảm dần gần đây.

cao-su-Viet0.png
Sự thành công các dự án cao su tại đất bạn Campuchia nhờ Chính phủ Campuchia đã hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam về đất đai, thủ tục đầu tư và môi trường kinh doanh thuận lợi.

Vào cuối năm 2023, Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Moha Bovor Thipadei Hun Manet có chuyến thăm chính thức Việt Nam đã có đánh giá rất cao sự đầu tư các dự án cao su của các công ty Việt Nam, cũng như quá trình tham gia xây dựng các cơ sở hạ tầng tại các địa phương, như: trường học, chùa chiền, trung tâm y tế, đường xá, cầu cống và đào tạo nguồn lực trồng cao su. Đặc biệt là việc đưa công nghệ vào quá trình sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động và đào tạo nguồn nhân lực tại Campuchia.

cao-su-Viet-st3.png

Theo các chuyên gia, sự thành công các dự án cao su tại đất bạn Campuchia nhờ vào Chính phủ Campuchia đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực cao su, cung cấp đất đai, hỗ trợ về thủ tục hành chính và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.

Trong khi đó, các công ty cao su Việt có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng và chế biến cao su, có thể áp dụng những kinh nghiệm này vào các dự án tại Campuchia. Các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào công nghệ hiện đại, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, sự thành công còn dựa trên các yếu tố như Campuchia có nguồn lao động dồi dào, chi phí lao động thấp, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các dự án trồng cao su. Người lao động Campuchia có khả năng tiếp thu nhanh các kỹ thuật trồng và khai thác cao su.

Theo ông Lâm Thanh Phú, Tổng giám đốc Công ty Cao su Tân Biên, đến thời điểm này, dự án phát triển cao su tại Campuchia của công ty đã đóng góp thiết thực vào mối quan hệ hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam và Campuchia. Đồng thời, việc đầu tư trồng cao su đã và đang tham gia góp phần phát triển kinh tế của địa phương cũng như tạo công ăn việc làm cho hơn 1.600 lao động Campuchia.

“Chúng tôi tiếp tục hướng đến tương lai với tầm nhìn dài hạn từ việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất kinh doanh cho đến thực hiện chiến lược xanh cho dự án để tăng cường hình ảnh thương hiệu và thâm nhập vào các thị trường khó tính để nâng cao giá trị sản phẩm” – ông Phú cho biết.

cao-su-Viet-TS-rmit.png

Ông Trần Hoàng Giang, Tổng giám đốc Công ty Cao su Phước Hòa cho biết, trong thời gian tới dự báo tình hình sẽ còn nhiều khó khăn như chi phí gia tăng, thị trường còn nhiều biến động. Để duy trì lợi nhuận tốt, công ty sẽ triển khai hàng loạt các giải pháp như tăng năng suất vườn cây, nâng cao chất lượng, quản lý chi phí chặt chẽ, đẩy mạnh các hoạt động về tiếp thị nhằm quảng bá thương hiệu và các sản phẩm của công ty trên thị trường. Xây dựng công ty hướng đến một mô hình tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Tiến sĩ Stanley Teck Lee Yap, Đại học RMIT Việt Nam cho biết, để gia tăng tính hiệu quả kinh doanh các dự án đầu tư cao su tại Campuchia trong bối cảnh thị trường cao su toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng dần mặc dù vẫn còn nhiều bất ổn và thách thức, các công ty cao su Việt Nam nên chuẩn bị nắm bắt cơ hội và sử dụng chúng như một chất xúc tác để củng cố tăng trưởng kinh doanh.

Đó là các công ty cao su Việt Nam có thể sử dụng các lựa chọn tài chính xanh, chẳng hạn phát hành trái phiếu xanh và đảm bảo nguồn vốn ngân hàng xanh, để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang sản xuất cao su xanh, đồng thời đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Việc đạt được các mục tiêu này một cách thành công có thể nâng cao uy tín thương hiệu và tác động tích cực đến hiệu quả kinh doanh.

cao su Việt
Các công ty cao su Việt Nam hướng đến một mô hình tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

“Các công ty cao su Việt Nam có thể thực hiện các bước đi táo bạo bằng cách sử dụng các công nghệ kỹ thuật số tiên tiến, chẳng hạn như truy xuất nguồn gốc blockchain, để tăng cường theo dõi nguồn gốc cao su và cải thiện hiệu quả cũng như tính minh bạch của chuỗi cung ứng, qua đó tăng khả năng cạnh tranh của ngành.

Hơn nữa, các công ty cao su Việt Nam nên tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để liên tục cải tiến công nghệ khai thác cao su và xóa bỏ dịch bệnh. Tương tự, họ nên thiết lập các liên minh chiến lược mạnh mẽ và hợp tác với các cơ quan chính phủ để cải thiện các chính sách hỗ trợ ngành, thúc đẩy đầu tư và hợp tác vững chắc giữa ngành cao su Việt Nam và các đối tác nước ngoài, và thúc đẩy quá trình chuyển đổi và nâng cấp ngành cao su Việt Nam” – TS Stanley Teck Lee Yap khuyến nghị.

cao-su-Viet3.png

Doanh thu cao su Việt tại Campuchia đạt hơn 5.500 tỉ đồng

Theo thông tin từ Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng khai thác của các công ty cao su Việt Nam tại thị trường Campuchia đạt hơn 63.800 tấn, chế biến trên 64.000 tấn, tiêu thụ hơn 71.600 tấn.

Qua đó, hoàn thành 44% kế hoạch sản lượng cả năm, đóng góp hơn 2.833 tỉ đồng doanh thu và hơn 443 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế vào kết quả kinh doanh chung của Cao su Việt Nam.

Dự kiến những tháng cuối năm, sản lượng mủ khai thác sẽ tăng cao, giúp nhiều công ty hoàn thành và vượt kế hoạch đã đề ra trong bối cảnh nhiều đơn vị đã vượt chỉ tiêu. Năm 2024, Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam giao 16 công ty cao su tại thị trường Campuchia kế hoạch sản lượng là hơn 143.900 tấn và kế hoạch doanh thu là trên 5.528 tỉ đồng.

Đọc thêm