Ngày 5-9, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Cần Thơ tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Nhiều đại biểu cho ý kiến về việc phát triển án lệ. Theo đó, báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ QH cho thấy đa số ý kiến tán thành với quy định của dự luật là TAND Tối cao có thẩm quyền phát triển án lệ. “Ý kiến khác đề nghị không quy định thẩm quyền của TAND Tối cao phát triển án lệ vì không phù hợp với điều kiện nước ta. Án lệ không phải là nguồn luật, chỉ có giá trị tham khảo” - báo cáo nêu.
Án lệ góp phần chống oan sai và chạy án. Ảnh minh họa: HTD
Luật sư Trần Thanh Phong (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) cho rằng ý kiến không ủng hộ phát triển án lệ không thuyết phục trong điều kiện hiện nay. Theo luật sư Phong, nếu thấy án lệ có những điểm mới cần phải đưa vào luật để sửa thì nó sẽ thành nguồn luật. “Án lệ tự bản thân nó có đường lối xét xử rõ ràng. Nhiều nước có hệ thống pháp luật đầy đủ họ vẫn áp dụng án lệ. Và một trong những lý do quan trọng để phát triển án lệ như câu nói trên trang web của QH mà tôi đọc là “án lệ góp phần chống oan sai và chạy án”. Do đó, không còn phân vân gì nữa mà phải làm sớm để phát triển án lệ. Tôi đề nghị có một bộ phận riêng làm chuyện này tới nơi tới chốn, nếu làm cầm chừng như hiện nay thì không đi đến đâu” - luật sư Phong góp ý.
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Thành - Chánh án TAND quận Cái Răng cho rằng muốn phát triển án lệ thì phải thay đổi cơ bản quy định về thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm của tòa tối cao. Theo ông Thành, theo quy định hiện nay thì quyết định giám đốc thẩm chỉ được hủy hoặc y án mà không được sửa án. Có những vụ án vì vậy cứ lòng vòng hết sơ thẩm, phúc thẩm lên giám đốc bị hủy án rồi lại quay về từ đầu, đến khi xử lại cũng không khác bản án cũ và lại bị hủy. “Giám đốc thẩm phải được quyền sửa án thì mới ra được án lệ, còn cứ hủy với y án thôi thì không ra được” - ông Thành nói.
NHẪN NAM