Thường vụ Quốc hội ủng hộ phát triển án lệ

Thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14-7, hầu hết ý kiến đều đồng tình với việc giao cho TAND Tối cao lựa chọn các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các tòa án khác để phát triển thành án lệ, bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật.

Phát triển án lệ là cần thiết, phù hợp

Theo TAND Tối cao, án lệ được xác định là quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về một vụ việc cụ thể để lựa chọn làm chuẩn mực để các tòa án nghiên cứu, làm theo bảo đảm các vụ việc có tình tiết giống nhau thì phải được phán quyết như nhau. Vì thế, quy định nhiệm vụ phát triển án lệ trong dự luật này là hoàn toàn phù hợp.

Ngoài ra, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, TAND Tối cao đề nghị cân nhắc mở rộng nguồn lựa chọn án lệ đối với cả những bản án, quyết định có tính chuẩn mực khác.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho hay cũng có một số ý kiến không ủng hộ quy định trên với lý do, án lệ không phù hợp với điều kiện nước ta và án lệ không phải là nguồn luật, chỉ có giá trị tham khảo…Tuy nhiên, qua thảo luận Ủy ban Tư pháp đồng tình với quy định giao cho TAND Tối cao phát triển án lệ và thống nhất bổ sung vào dự luật cho phép lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các tòa án phát triển thành án lệ để các tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.

Tán thành quy định trên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cho rằng việc đưa quy định án lệ vào dự thảo luật không hề trái với Hiến pháp. Phát triển án lệ cũng là hết sức cần thiết, phù hợp. Cũng đồng tình với việc phát triển án lệ nhưng Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đề nghị cân nhắc lại việc mở rộng nguồn lựa chọn án lệ đối với những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. “Chúng ta chỉ nên lựa chọn các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao làm án lệ thì sẽ phù hợp hơn” - ông Tụng nói.

Quyết định nào cao nhất, không kháng nghị?

Một nội dung khác cũng có nhiều ý kiến khác nhau là quy định: “Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao là quyết định cao nhất, không bị kháng nghị”. Nhiều ý kiến cho rằng quy định trên là mâu thuẫn với Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính về thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Tuy nhiên, TAND Tối cao cho rằng Luật Tố tụng hành chính, Bộ luật Tố tụng dân sự đã có quy định về thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Tuy nhiên, đó không phải là kháng nghị mà là thủ tục Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao tự xem xét lại quyết định của mình khi có yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban Tư pháp, Viện trưởng VKSND Tối cao, đề nghị của chánh án TAND Tối cao. Do đó, TAND Tối cao cho rằng quy định như trong dự thảo luật là hoàn toàn phù hợp.

Bổ sung cho lập luận trên, ông Hiện cũng cho rằng quy định này phù hợp với khoản 1 Điều 104 của Hiến pháp năm 2013: “TAND Tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Bên cạnh đó, khi có căn cứ xác định quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có vi phạm pháp luật hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới thì quyết định này vẫn có thể được xem xét lại theo thủ tục đặc biệt quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính nhằm thực hiện nguyên tắc của Hiến pháp năm 2013: “Bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân...”. Vì vậy, Ủy ban Tư pháp đề nghị giữ như quy định tại khoản 4 Điều 12 của dự thảo luật để trình Quốc hội.

THÀNH VĂN

Vẫn chưa ngã ngũ việc thẻ căn cước thay thế giấy khai sinh

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức VKSND sửa đổi, Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch. Và cũng như nhiều lần thảo luận trước đây, việc thẻ căn cước ra đời có thay thế được chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh hay không lại được các đại biểu đem ra mổ xẻ.

Theo Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội - Phó Trưởng ban soạn thảo Luật Căn cước, khi luật này được triển khai sẽ bỏ được nhiều loại giấy tờ như hộ khẩu, giấy khai sinh. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng cấp thẻ căn cước từ khi sinh ra và không cần cấp giấy khai sinh. “Thay giấy khai sinh bằng căn cước là đúng rồi, già rồi cũng hỏi giấy khai sinh, mua vé cũng hỏi, đó là lạm dụng, luật này phải cắt hết” - ông Hùng nói.

Tuy nhiên, trước đó tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho hay ngoài ý kiến đồng ý quy định thẻ căn cước thay giấy khai sinh thì vẫn còn nhiều ý kiến không ủng hộ. Bởi khai sinh là quyền nhân thân quan trọng của con người và bản chất của khai sinh là việc Nhà nước chính thức thừa nhận sự kiện một cá nhân ra đời (sự kiện hộ tịch) và bắt đầu được hưởng quyền con người, quyền công dân. Kết quả nghiên cứu của Chính phủ tại 100 nước trên thế giới thì tuyệt đại đa số các nước đều cấp giấy khai sinh cho trẻ em và cấp thẻ căn cước khi công dân trên 14, 15 hoặc 18 tuổi, khi đặc điểm nhân dạng đã tương đối ổn định. Do đó, loại ý kiến này đề nghị tiếp tục duy trì việc cấp giấy khai sinh cho trẻ em mới được sinh ra như quy định hiện hành. Đồng thời, không nên quy định cấp thẻ căn cước công dân đối với trẻ em dưới 14 tuổi vì sẽ làm phát sinh thêm giấy tờ hành chính cho công dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm