DIỄN ĐÀN VỀ VIỆC CÔNG BỐ ĐIỂM THI LUẬT SƯ

Cần sự công khai nhưng phải đảm bảo quyền riêng tư

(PLO)- Bên cạnh những lo ngại về quyền riêng tư, thì một số ý kiến của luật sư ủng hộ việc công khai điểm số; đây là một yếu tố quan trọng nhất là đối với nghề luật sư.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 27-11, Hội đồng Kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư đợt 2/2023, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ban hành Văn bản số 73/TB-HĐKT về việc thông báo kết quả kiểm tra Kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư đợt 2 năm 2023 gửi Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

cong-bo-diem-thi-luat-su-4201-6053.jpeg
Các luật sư hoạt động nghề nghiệp tại một phiên toà hình sự. Ảnh: TRẦN LINH

Việc công khai điểm thi của kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư đã tạo ra 2 luồng ý kiến trái chiều.

Phía ủng hộ việc bảo mật thông tin của thí sinh cho rằng nếu không công khai điểm thi sẽ bảo đảm được vấn đề quyền riêng tư, từ đó tránh những đối tượng lợi dụng nguồn thông tin công khai thực hiện những hành vi gây ảnh hưởng xấu đến thí sinh.

Phía ngược lại cho rằng việc công khai kết quả kỳ thi này hoàn toàn không xâm phạm đến quyền riêng tư; việc e ngại vấn đề các đối tượng xấu sẽ sử dụng nguồn thông tin công khai này để thực hiện các hành vi ảnh hưởng đến thí sinh là chưa thuyết phục.

PLO xin giới thiệu thêm các ý kiến bàn luận và tạm khép lại diễn đàn này.

TS-LS NGUYỄN HỮU THẾ TRẠCH, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Liên đoàn Luật sư cần nghiên cứu lại cách công bố kết quả

LS TRẠCH-DIỄN- ĐÀN -VỀ- VIỆC- CÔNG- BỐ- ĐIỂM- THI- LUẬT- SƯ.jpg.jpg
TS-LS Nguyễn Hữu Thế Trạch.

Việc quyết định có công khai kết quả một kỳ thi trên mạng hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Bao gồm mục đích của tổ chức thi, quy định của cơ quan quản lý và các quy định về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu.

Nếu mục đích là cung cấp thông tin cho người tham gia thi và cộng đồng, công bố kết quả thi công khai là lựa chọn tốt để tạo sự minh bạch và minh chứng về tính công bằng của quá trình thi.

Tuy nhiên, cần đảm bảo rằng việc công bố kết quả không vi phạm quyền riêng tư của người tham gia thi. Thông tin cá nhân như: tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ hay số căn cước công dân có thể cần được bảo vệ để tránh lạm dụng hay xâm phạm quyền riêng tư.

Ở Canada, Mỹ, nhà trường đều có những quy định khắt khe trong việc quản lý dữ liệu về thông tin cá nhân của học sinh, sinh viên (hồ sơ, ảnh của học sinh, sinh viên) một cách tuyệt đối.

Thông tin cá nhân của một người là rất quan trọng đối với đời sống hiện nay khi mà sự tiến bộ về kỹ thuật số phát triển ngày càng cao. Dữ liệu ngày, tháng, năm sinh, họ, tên và địa chỉ của một cá nhân cũng có thể bị lạm dụng vào các mục đích xấu, trái pháp luật. Bên cạnh là quyền riêng tư của một cá nhân cần phải được bảo vệ.

Thiết nghĩ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam nên nghiên cứu lại cách công bố kết quả của kỳ thi hết tập sự để đảm bảo một cách tốt nhất các quyền riêng tư của các thí sinh nhưng vẫn bảo đảm tính công khai, minh bạch của kỳ thi.

TS-LS NGUYỄN THỊ KIM VINH, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Công khai điểm thi để dễ phát hiện luật sư giả

TS-LS Nguyễn Thị Kim Vinh.

TS-LS Nguyễn Thị Kim Vinh.

Tôi hoàn toàn ủng hộ việc công khai, minh bạch điểm số trong kỳ thi. Đây là một trong những điều kiện để đánh giá một người có đủ điều kiện hành nghề luật sư hay không.

Sự công khai, minh bạch là yếu tố đặc biệt quan trọng, nhất là đối với nghề luật sư. Điểm số phản ánh năng lực của người đã qua thời kỳ tập sự luật sư, để xem họ có đủ điều kiện trở thành luật sư thực thụ hay không.

Dưới góc độ pháp lý, việc công khai điểm số được quy định cụ thể trong Luật Luật sư. Nếu như ai đó sử dụng việc này để mục đích bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Việc công bố điểm thi luật sư là cần thiết và phù hợp quy định pháp luật. Người tham gia cuộc thi phải chấp nhận nội quy và quy chế của kỳ thi, bao gồm việc công khai kết quả.

Ngoài ra, việc công khai, minh bạch điểm số trong kỳ thi luật sư còn giúp phần nào phòng ngừa tình trạng mạo danh luật sư để làm việc xấu, trái pháp luật.

Kết quả thi được công khai, là một cách để người dân tìm hiểu và đánh giá xem người luật sư mà họ gặp hay được giới thiệu có phải là một luật sư thực sự hay không.

Tôi ví dụ: Để kiểm tra xem ai đó có phải là đang mạo danh luật sư, thì chúng ta có thể lên mạng tìm kiếm kết quả thi của năm đó, khóa đó; nếu không có dữ liệu thì chính xác là họ đã mạo danh luật sư.

Nếu một người có đam mê thật sự thì cho dù đợt này thi chưa đạt, đợt sau họ vẫn sẽ cố gắng để đạt được. Điểm thi kiểm sát viên, thẩm phán... (sơ cấp - trung cấp - cao cấp) còn được công khai minh bạch; thì việc công khai điểm số kỳ thi luật sư là một chuyện rất bình thường.

Luật sư ĐOÀN VĂN THÀNH, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Cần công khai điểm thi của tất cả kỳ thi

luat-su-doan-van-thanh.jpg
Luật sư Đoàn Văn Thành phát biểu trong buổi xin lỗi của VKSND huyện Cần Giờ đối với anh thợ sửa xe bị oan Ảnh: HOÀNG GIANG

Kết quả của cuộc thi như thế nào đi chăng nữa cũng cần phải công bố. Thông qua kết quả đó có thể đánh giá một phần về công tác hướng dẫn tập sự hành nghề luật sư của các văn phòng là có chu đáo hay chưa. Ngoài ra cũng có thể thông qua kết quả mà đánh giá được một phần thí sinh đó có thật sự đam mê, yêu nghề và nghiêm túc thực hiện khóa tập sự đó hay không.

Tôi luôn ủng hộ việc công khai như vậy; có số liệu, có thống kê cụ thể. Việc nhắn tin thông báo kết quả, hoặc gửi kết quả qua email, số điện thoại riêng là che giấu đi kết quả. Việc làm này sẽ mang lại nhiều hệ quả tiêu cực hơn.

Không những kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư này mà kết quả của các kỳ kiểm tra khác cũng cần được công khai. Bởi để tham gia kỳ thi này, đồng nghĩa với việc đã tham gia một khóa đào tạo và hoạt động thực tế, cho nên phải có thống kê, có kết quả nhưng phải công khai, đảm bảo chất lượng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm