Việc công bố thông tin liên quan đến quyền riêng tư của cá nhân sẽ chỉ phù hợp trong một số vấn đề. Nhưng dù nhìn nó ở góc độ tích cực gì đi nữa thì ở khía cạnh khác vẫn mang lại cho người bị công bố những khả năng rất bất tiện. Vì vậy, những đơn vị có liên quan cần cân nhắc trong việc lựa chọn hình thức công bố phù hợp.
Bởi đầu tiên, những đơn vị này là những đơn vị nắm giữ nguồn thông tin. Nếu việc lựa chọn hình thức công bố bị cho rằng không minh bạch thì chính những người nghi ngờ sự minh bạch sẽ tự đi tìm hiểu. Và lúc đó các đơn vị nắm giữ sẽ cung cấp cho người nghi ngờ hoặc các đơn vị thanh kiểm tra, giám sát.
Đừng vì lý do cho rằng, vì sự minh bạch mà chúng tôi phải công bố tất cả các danh sách, các thông tin mang tính riêng tư của người khác hoặc việc lựa chọn phương thức không phù hợp.
Tôi ví dụ: Nhà trường đưa danh sách học sinh thi đậu và thi rớt trong một kỳ thi nào đó. Họ có thể lựa chọn công bố danh sách học sinh đậu, những người khi xem trong danh sách không thấy có tên mình thì họ tự hiểu là họ đã rớt. Và để thuận lợi, trong thông báo ấy, nhà trường để lại chú thích cho người thắc mắc, nghi ngờ có thể liên hệ với phòng ban nào, thầy cô nào để được giải đáp. Thay vì công bố cả danh sách học sinh đậu và rớt. Thì những học sinh rớt có thể sẽ bị các bạn đậu chế giễu hoặc trêu chọc.
Hoặc nhà trường cũng có thể chọn cách thông báo thông qua tin nhắn điện thoại đến từng số điện thoại của phụ huynh hoặc học sinh. Phương thức thông báo khi sử dụng công nghệ bây giờ rất đơn giản và thuận lợi. Người có liên quan đều có thể tiếp cận được thông tin cần nhận, mang tính riêng tư cao.
Như vậy, sẽ có nhiều phương thức công bố đảm bảo tính riêng tư của người liên quan được bảo mật.
Nếu vì một lý do nào đó như để minh bạch, hay lười trong lúc lập danh sách không tạo ra được 1 file mà có thể chọn lọc dữ liệu cần công bố và dữ liệu không cần công bố, nên lúc muốn không công bố người không cần thiết, thì sẽ mất nhiều thời gian, công sức khi làm lại file từ đầu.
Trong khi đó, rõ ràng việc công bố không phù hợp sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín, danh sự, sự tự tin của người bị công bố - không chỉ với người thi rớt mà cả với những người thi đậu với số điểm không cao. Giả sử có đối tượng xấu vô tình tiếp cận những thông tin này (trong khi rõ ràng những người này không nằm trong đối tượng được tiếp cận danh sách công bố), họ sẽ lấy các dữ liệu này để thực hiện các hành vi có thể xâm phạm đến uy tín, danh dự, tài sản của người khác.
Mà rõ ràng để bản thân người bị công bố đi đòi lại quyền lợi hợp pháp sẽ rất cực, rồi lại đẩy chính các cơ quan chức năng phải vào cuộc xử lý, làm tiêu tốn tiền của của xã hội, của đất nước. Trong khi, nguồn cơn của việc này có thể dễ dàng ngăn chặn ngay từ đầu.
Vì vậy, tôi không ủng hộ việc công bố công khai điểm thi luật sư, đồng thời mong đơn vị liên quan sẽ cân nhắc, lựa chọn phương thức thông báo kết quả sát hạch đến thí sinh một cách phù hợp nhằm bảo vệ bí mật đời tư của cá nhân thí sinh.
Luật sư VŨ QUỐC TOẢN, Đoàn Luật sư TP.HCM:
Cần cân nhắc khi công khai các thông tin cá nhân
Việc công khai kết quả kỳ thi tập sự luật sư trên website đúng là không vi phạm quy định của pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, chỉ nên đăng tải ở trang web chính thống của Liên đoàn luật sư Việt Nam; đồng thời cần thông báo rõ những cá nhân, tổ chức muốn đăng tải lại các thông tin này trên các nền tảng khác cần phải được sự cho phép của Liên đoàn luật sư.
Dù gì thì thông tin riêng tư, bí mật cá nhân cũng cần được cân nhắc khi đưa lên công khai. Hiện nay, việc tiếp cận và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội đang diễn biến rất phức tạp và nhạy cảm. Việc công khai rộng rãi có thể dẫn đến các đối tượng lợi dụng thông tin này để xâm phạm quyền riêng tư của người khác.
Luật sư TRẦN ĐÌNH DŨNG, Đoàn Luật sư TP.HCM:
Việc công khai điểm thi là đúng pháp luật và công bằng
Đây là kỳ kiểm tra kết quả tập sự của người tập sự hành nghề luật sư, về bản chất chỉ là kiểm tra đạt hay không đạt, không phải kỳ thi như các kỳ thi chúng ta thường nghĩ. Việc công bố điểm thi luật sư lên website của Liên đoàn Luật sư là bình thường, cần thiết và phù hợp với tinh thần Thông tư 10/2021 của Bộ Tư pháp.
Theo Điều 16 Thông tư 10/2021 của Bộ Tư pháp về nguyên tắc kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư, cũng nêu “Nghiêm túc, công khai, công bằng, khách quan, trung thực và hiệu quả”.
Căn cứ Điều 2 Nghị định 13/2023 thì quy định về dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm (dữ liệu gắn liền với quyền riêng tư của cá nhân mà khi bị xâm phạm sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của họ) đều không bao gồm "điểm thi". Do đó, việc xử lý điểm thi không nhất thiết phải được sự đồng ý hay phải báo cho thí sinh biết; khi công khai điểm thi cũng không ảnh hưởng đến sự riêng tư và uy tín cá nhân.
Về mặt xã hội, một khi cá nhân dấn thân vào con đường nghề luật sư, thì việc điểm thi luật sư được công khai là rất đỗi bình thường, không nên coi đó liên quan tới uy tín nghề nghiệp sau này. Thực tế, có không ít thí sinh đã có bằng thạc sĩ luật và đang giảng dạy luật ở trường đại học vẫn không đạt. Tôi cho rằng việc công bố điểm thi luật sư và kết quả kiểm tra tập sự hành nghề luật sư lên website là đúng pháp luật và công bằng.
Luật sư NGUYỄN VĂN HỒNG, Đoàn luật sư TP.HCM:
Người tham gia kỳ thi phải chấp nhận việc công bố điểm thi
Căn cứ Điều 6, Điều 7 Luật Tiếp cận thông tin 2016 thì kết quả thi Tập sự hành nghề luật sư không phải là dạng thông tin không được tiếp cận hoặc thuộc diện bí mật cá nhân phải tiếp cận có điều kiện. Kỳ thi này được tổ chức định kỳ, công khai và có quy định phải công bố kết quả.
Hình thức công bố thông thường sẽ là niêm yết kết quả tại trụ sở nhưng trong thời đại ngày nay, việc công bố thông qua các phương tiện thông tin điện tử đáp ứng được yêu cầu nhanh chóng, tiết kiệm… để sớm đưa thông tin đến với người tham gia.
Người tập sự tham gia kỳ thi thì phải chấp nhận nội quy và quy chế của kỳ thi, trong đó có việc công khai kết quả kỳ thi.
Trường hợp có tổ chức hoặc cá nhân sử dụng các thông tin được công bố này vào các mục đích xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của người có liên quan thì tuỳ theo mức độ sẽ bị xử lý, chế tài theo quy định là kỷ luật, xử phạt hành chính, xử lý hình sự….
Do đó, việc công bố điểm thi luật sư của Liên đoàn luật sư Việt Nam là không trái quy định của pháp luật hiện hành.
(AN BÌNH ghi)