Cần Thơ: Doanh nghiệp không mất 'phí lót tay' nhưng mất nhiều thời gian

(PLO)- Cần Thơ được doanh nghiệp đánh giá là không phải tốn "chi phí lót tay" nhưng mất nhiều thời gian để hoàn thiện hồ sơ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 17-8, UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội thảo đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 và đề xuất giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 của TP Cần Thơ.

Phấn đầu vào top 10 cả nước

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, nhận thức vai trò quan trọng của chỉ số PCI, thành phố đã ban hành các nghị quyết, chương trình hành động nhằm cải thiện chất lượng quản lý điều hành, chất lượng phục vụ của các sở, ban, ngành và các quận, huyện nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên các lĩnh vực.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường đề nghị TP cần phấn đấu lọt vào top 10 cả nước về chỉ số PCI trong năm 2022. Ảnh: NHẪN NAM

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường đề nghị TP cần phấn đấu lọt vào top 10 cả nước về chỉ số PCI trong năm 2022. Ảnh: NHẪN NAM

Theo ông Trường, trong năm năm qua, chất lượng chỉ số PCI của thành phố đã được cải thiện, dù không đáng kể, trong khi các tỉnh, thành trong cả nước có sự cải thiện mạnh mẽ.

Năm 2021, Cần Thơ đạt 68,06 điểm, tăng 1,73 điểm, giữ nguyên hạng, xếp hạng thứ 12/63 tỉnh, thành và đứng thứ 2 trong vùng ĐBSCL, xếp trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt trong cả nước.

Tuy nhiên vị trí thứ 12 là vị trí thấp nhất trong nhóm điều hành tốt. Vị trí này chưa xứng đáng với vị trí là địa phương trung tâm của vùng ĐBSCL về dịch vụ, thương mại, y tế, giáo dục, khoa học – công nghệ…

Do vậy, ông Trường cho rằng việc đưa ra các giải pháp khả thi, biện pháp tổ chức thực hiện hiệu quả nhằm cải thiện điểm số PCI trong năm 2022 và các năm tiếp theo là rất cần thiết, cấp bách.

Đặc biệt trong đó có sự chú trọng đến các giải pháp nhằm cải thiện điểm số của các chỉ số thành phần có điểm giảm trong năm 2021. Cụ thể như chỉ số gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, đào tạo lao động. Đồng thời, không ngừng duy trì, ổn định điểm số của các chỉ số thành phần có điểm số cao trong thời gian qua.

Ông Trường đề nghị sau khi phân tích và đề ra giải pháp, thành phố phấn đấu lọt vào top 10 cả nước trong năm 2022 về chỉ số PCI.

Giám đốc VCCI Cần Thơ Nguyễn Phương Lam báo cáo kết quả PCI của TP Cần Thơ trong năm 2021 tại hội thảo. Ảnh: NHẪN NAM

Giám đốc VCCI Cần Thơ Nguyễn Phương Lam báo cáo kết quả PCI của TP Cần Thơ trong năm 2021 tại hội thảo. Ảnh: NHẪN NAM

Không mất chi phí lót tay nhưng mất nhiều thời gian

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết, PCI của Cần Thơ khá ổn định, chứng tỏ chất lượng điều hành được doanh nghiệp đánh giá cao. Năm 2021 là lần đầu tiên Cần Thơ đứng hạng 2 trong vùng ĐBSCL. Điểm số này phản ánh được đòi hỏi của cộng đồng doanh nghiệp.

Điểm số của Cần Thơ trong suốt 10 năm không có biến động lớn, so với các địa phương trong vùng thì là địa phương có tính ổn định cao. Thành phố có ba năm liền hạng 10, 11.

Theo ông Lam, một trong những điểm sáng của thành phố là chỉ số tính năng động, tiên phong của chính quyền, xếp hạng 7/63 tỉnh, thành. Chỉ số này cho thấy sự quyết tâm, quyết liệt của lãnh đạo cấp tỉnh trong điều hành kinh tế. Về đào tạo lao động, thành phố từ thứ hạng 32 (2020) lên hạng 20 (2021) và đứng đầu vùng ĐBSCL về tỉ lệ lao động qua đào tạo.

Về chi phí không chính thức, ông Lam cho biết, thành phố được đánh giá cao, dẫn đầu cả vùng về tỉ lệ doanh nghiệp không phải chi trả chi phí không chính thức, tức là những chi phí không đáng có mà thường gọi là chi phí lót tay. Nhưng ngược lại, doanh nghiệp lại phải mất nhiều thời gian.

Theo đó, những điểm thành phố cần thay đổi đầu tiên là chi phí thời gian. Ông Lam cho biết trong 10 chỉ số thì chỉ số thành phố không được đánh giá cao là doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian để thực hiện các thủ tục hành chính trên địa bàn TP.

Cụ thể, năm 2018-2019 có 55% doanh nghiệp cho rằng không cần phải đi lại nhiều lần để lấy con dấu, chữ ký nhưng đến năm 2020 có đến 77%, năm 2021 có 68% doanh nghiệp cho rằng phải đi lại nhiều lần để xin chữ ký, con dấu để hoàn thiện hồ sơ.

Hai là chỉ số gia nhập thị trường của thành phố có cải thiện so với tự thân nhưng chỉ ở mức trung bình cả nước. Cạnh đó, tính minh bạch, thời gian qua cải thiện nhiều nhưng có một điểm là doanh nghiệp đều phản ánh là để có được thông tin thì cần phải có một mối quan hệ nào đó, từ riêng tư hay nhờ vả để có được thông tin về quy hoạch, văn bản hay một yêu cầu gì đó…

Quang cảnh hội thảo đánh giá chỉ số PCI của Cần Thơ chiều 17-8. Ảnh: NHẪN NAM

Quang cảnh hội thảo đánh giá chỉ số PCI của Cần Thơ chiều 17-8. Ảnh: NHẪN NAM

Một số giải pháp cụ thể

Ông Trương Hồng Dự - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, để cải thiện chỉ số tính minh bạch trong đánh giá chỉ số PCI của thành phố thì cần tập trung vào một số vấn đề, nhất là việc cập nhật các văn bản như quy hoạch, tài liệu pháp lý cho công dân, doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử thành phố và trên trang thông tin điện tử của các cơ quan, địa phương phải đầy đủ, kịp thời, nội dung phong phú, hấp dẫn.

Cạnh đó là đơn giản hóa và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, công khai, minh bạch thông tin, phát huy hiệu quả của chính quyền điện tử, triển khai các thủ tục liên quan đến thuế, nhất là kê khai và nộp thuế điện tử.

Đồng thời, tạo điều kiện cho việc tiếp cận thông tin của doanh nghiệp và doanh nghiệp có cơ hội tham gia vào quá trình ban hành chính sách, phản biện, giám sát thực hiện chính sách đầy đủ.

Ông Đỗ Thanh Thảo – Giám đốc Sở TN&MT nêu ra một số tồn tại liên quan đến chỉ số tiếp cận đất đai. Từ đó, ông đưa ra bốn giải pháp cơ bản, mấu chốt là công tác cán bộ, nên phải nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ công chức, viên chức, trước hết là người đứng đầu các đơn vị trực thuộc ngành TN&MT.

Thứ hai là tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, rà soát thủ tục trong thẩm quyền để cắt giảm nhất là về mặt thời gian.

Ba là đẩy nhanh công tác chuyển đổi số ngành TN&MT, trước hết là phải làm cơ sở dữ liệu về đất đai, môi trường, quan trắc.

Bốn chủ động phối hợp trong nội bộ ngành TN&MT, phối hợp với các sở ngành và địa phương để việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp và người dân được dễ dàng.

Phải có giải pháp trước mắt và lâu dài

Phát biểu chỉ đạo, ông Phạm Văn Hiểu - Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ yêu cầu về giải pháp trước mắt, có ba việc cần lưu ý.

Một là rà soát những chỉ số thành phần bị giảm điểm hoặc thứ hạng thấp để có biện pháp, tiêu chí cụ thể để phấn đấu.

Hai là giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, nhất là đơn vị chịu trách nhiệm chính thực hiện các chỉ số này để có kế hoạch triệt để phấn đấu nâng cao lên. Ba phấn đấu cải thiện rõ rệt trong thời gian tới về điểm số và thứ hạng.

Các giải pháp lâu dài, ông Hiểu đề nghị cần hoàn thiện các chính sách pháp luật trên từng lĩnh vực thuộc thẩm quyền của thành phố như môi trường đầu tư, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp… cụ thể hóa các quy định của cấp trên và những vấn đề được ủy quyền cho thành phố.

Cạnh đó, cụ thể hóa và ban hành bộ tiêu chí về chỉ số năng lực cạnh tranh cho thành phố, các sở ngành và quận/huyện của thành phố. Đồng thời, nâng cao vai trò trách nhiệm của cán bộ công chức đặc biệt người đứng đầu các cấp, kể cả cấp phòng trong việc tham mưu giải quyết công việc cấp trên giao, phòng chống tham nhũng…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm