Ngày 12-7, tổ nghiên cứu xây dựng đề án tăng cường hoạt động khai thác đường bay đến Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ làm việc với một số tỉnh ĐBSCL tại UBND TP Cần Thơ.
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ Lê Tiến Dũng báo cáo tại buổi họp ngày 12-7. Ảnh: NN
Ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, cho hay dự báo trong năm 2017 và các năm tiếp theo thì nhu cầu đi lại của người dân TP Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung rất lớn. Do đó, TP Cần Thơ dự kiến xúc tiến mở các đường bay mới từ Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ đến Hải Phòng, Cam Ranh, Vinh, Đà Lạt, Huế (nội địa) và quốc tế là Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Cũng theo ông Dũng, hiện nay TP đang xây dựng cơ chế, chính sách để hỗ trợ các hãng hàng không một phần kinh phí trong năm đầu tiên mở đường bay mới đến Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ để trình HĐND TP thông qua. Sau khi được thông qua, TP sẽ ban hành cụ thể quy định khung cơ chế chính sách hỗ trợ các hãng hàng không mở các đường bay mới đi/đến Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng cho biết Cần Thơ ngoài chính sách hỗ trợ sản phẩm du lịch đặc thù thì sẽ dành một kinh phí nhất định hỗ trợ việc mở đường bay mới trong nước và quốc tế.
“Vừa qua dư luận cũng đặt vấn đề xung quanh chuyện này. Nhưng sử dụng ngân sách thì phải theo luật ngân sách. TP đã xin ý kiến lãnh đạo Thành ủy, đang xây dựng đề án này và sẽ trình HĐND TP thông qua trong kỳ họp gần nhất” - ông Dũng thông tin.
Năm 2016, ĐBSCL đón hơn 28 triệu lượt khách tham quan nhưng sân bay Cần Thơ mới chỉ đón khoảng 550.000 lượt khách. Ảnh khách du lịch quốc tế đến tham quan chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ). Ảnh: NN
Một vấn đề được các đại biểu đặt ra là sân bay Cần Thơ được xây dựng với mong muốn là cửa ngõ của ĐBSCL, phục vụ toàn vùng chứ không phải riêng TP Cần Thơ. Do đó, đề án tăng cường hoạt động khai thác đường bay đến Cảng hàng quốc tế Cần Thơ cần có sự góp sức của các tỉnh ĐBSCL, đặc biệt là chín tỉnh, thành gồm Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Vĩnh Long và TP Cần Thơ.
Góp ý tại buổi họp, đại diện một số tỉnh ĐBSCL và đại diện một số công ty du lịch lữ hành cho rằng phải khảo sát nhu cầu đi lại của người dân ở từng địa phương trong vùng đến các tỉnh trong nước; tăng cường các chuyến bay dạng bao chuyến; ổn định giờ bay, tần suất bay. Khi mở được đường bay mới thì mỗi địa phương phải tăng cường tuyên truyền thông tin về các đường bay trong thời gian dài để người dân nắm được; đầu tư sản phẩm du lịch đặc thù và giới thiệu trên kênh truyền hình quốc tế Discovery.
Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, ghi nhận tất cả ý kiến của các đại biểu để làm sao một tháng sau có kết quả ban đầu về đề án. Cụ thể như sản phẩm cần quảng bá, giải pháp và kiến nghị đi kèm như các địa phương phải làm gì, các hãng hàng không, lữ hành, du lịch làm gì, Cục Hàng không làm gì…
Theo thống kê, hiện Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ mới có bốn điểm đến trong nước gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc và Côn Đảo. Điểm đến quốc tế mới chỉ có lãnh thổ Đài Loan vào dịp Tết, Thái Lan bay bao chuyến mùa hè.
Trong năm 2016, sân bay này đón 550.000 lượt khách. Kế hoạch năm 2017 là 612.000 lượt khách. Trong khi đó, công suất thiết kế của sân bay đáp ứng được ba triệu lượt khách/năm.