Cần thu hẹp đối tượng bị tạm giam

Khoản 2 Điều 88 BLTTHS quy định hạn chế tạm giam đối với người chưa thành niên, phạm tội ít nghiêm trọng; không tạm giam phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh nặng có nơi cư trú rõ ràng. Trừ các trường hợp bị can, bị cáo bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã... Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia pháp lý, nhiều người phạm tội ít nghiêm trọng như gây ra tai nạn giao thông, tội phạm trẻ vị thành niên hay phụ nữ có thai vẫn bị áp dụng chế độ này.

Sẩy thai vì bị tạm giam

Tháng 9-2010, Q. bị Công an TP N. bắt tạm giam về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Q. trình giấy khám tại bệnh viện xác nhận mình đang có thai sáu tuần. Dù không thuộc các trường hợp loại trừ nào như trên nhưng theo công an, hành vi của bị can thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng và có dấu hiệu bỏ trốn nên vẫn bắt về trại. Trước khi trình ký lệnh bắt, điều tra viên không báo cho VKSND cùng cấp biết Q. có giấy khám thai. Sau khi vào trại tạm giam mấy ngày, Q. có dấu hiệu đau đớn và kiệt sức. Bác sĩ tại trại giam thăm khám cho biết Q. bị mất con... Tiếp đó, bị can cũng phải đưa đi cấp cứu tại một bệnh viện ngoài trại giam.

Cuối năm 2011, nhóm của NQD (học sinh lớp 11) cùng một nhóm khác hẹn “giải quyết mâu thuẫn” ngay trước cổng trường. Trong lúc xô xát, D. dùng cây gỗ đánh gãy tay và gây nhiều thương thích khác cho một người thuộc nhóm kia. Ngay sau đó D. bị bắt tạm giam ba tháng, bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích. Quá trình điều tra, luật sư của bị can và người giám hộ nhiều lần làm đơn xin cho D. được tại ngoại nhưng đều bị từ chối. Mãi đến khi hồ sơ vụ án được chuyển qua TAND huyện thì đề nghị của luật sư mới được chấp nhận. 

Cần thu hẹp đối tượng bị tạm giam ảnh 1

ý kiến cho rằng không lạm dụng việc tạm giam đối với phụ nữ có thai, trẻ vị thành niên... Ảnh minh họa: T.TÙNG

Hạn chế với một số tội cụ thể

Phát biểu tại Hội thảo mô hình tố tụng hình sự Việt Nam theo yêu cầu cải cách tư pháp (Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức) mới đây, TS Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp, cho rằng quy định hiện hành không hạn chế tạm giam với những tội danh cụ thể mà theo loại tội phạm và mức hình phạt tù. Thực tế cho thấy có những loại tội không cần thiết phải tạm giam do bị cáo nhất thời phạm tội, không trốn không gây trở ngại cho việc giải quyết vụ án nên việc hạn chế tạm giam với họ là cần thiết.

Từ đó TS Đương đề xuất nên hạn chế tạm giam với những loại tội phạm mà nếu để bị can, bị cáo ở ngoài xã hội thì họ không bỏ trốn, không cản trở điều tra hoặc tiếp tục phạm tội. Cụ thể, đó là các tội mà luật quy định phạt tiền là hình phạt chính, tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng do vô ý và một số loại tội khác thuộc nhóm tội về môi trường, về chức vụ và nhóm xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ các cơ quan tư pháp.

Tuy nhiên, theo TS Đương, cùng với việc hạn chế thì cần quy định chặt các căn cứ áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác. Chẳng hạn, phải có chế tài với người nhận bảo lãnh vi phạm nghĩa vụ cam đoan, chi tiết trình tự thủ tục, mức tiền phải đặt. Có như vậy mới bảo đảm, phát huy hiệu lực, hiệu quả của các biện pháp ngăn chặn để thay thế tạm giam...

Không cho tại ngoại để sinh nở

Trước đây, trong phiên xử vụ làm giả cổ phiếu chứng khoán ở TAND TP Hải Phòng, nhiều người dự khán đã ngạc nhiên khi thấy một bị cáo bụng bầu to nhưng vẫn bị tạm giam. Đó là bị cáo Lâm Thu Hương - lúc bị bắt bị cáo này mới mang thai, đến khi xét xử vụ án thì thai nhi đã ở tháng cuối gần sinh. Trong quá trình điều tra, Hương và gia đình nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan tiến hành tố tụng xin được tại ngoại để điều tra. Tuy nhiên, theo cơ quan tố tụng, Hương phạm tội thuộc trường đặc biệt nghiêm trọng nên không được xem xét đề nghị. Khi hồ sơ vụ án chuyển sang tòa để chuẩn bị xét xử, luật sư của Hương cũng có đơn đề nghị cho bị cáo được tại ngoại phòng khi sinh nở nhưng cũng không được chấp nhận.

Phải mang tính nhân đạo

Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp nêu rõ cần đổi mới biện pháp tạm giam. Cụ thể là xác định rõ căn cứ tạm giam, hạn chế việc áp dụng biện pháp tạm giam đối với một số loại tội phạm... Theo tôi, đây là chủ trương lớn bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và bảo vệ quyền con người, phù hợp với xu thế phát triển chung của nhiều nước trên thế giới. Nhưng điều quan trọng chú ý khi hạn chế tạm giam là phải thể hiện được tính nhân đạo sâu sắc của chính hình sự một quốc gia.

Luật HOÀNG KIM VINH,
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước

Nếu không khéo sẽ bị lạm dụng

Hạn chế tạm giam là cần thiết nhưng nếu không cẩn thẩn sẽ tạo ra tình trạng lạm dụng việc tại ngoại. Chẳng hạn, không tạm giam và thi hành phạt tù với phụ nữ có thai tạo ra tình trạng bị can, bị cáo mang thai liên tục, cứ sinh hết con này đến con khác, khiến không thể thi hành án. Có khi tòa tuyên án chung thân nhưng 10 năm rồi vẫn chưa thi hành được, vẫn phải quản lý ở ngoài xã hội. Có khi cơ quan tố tụng tạm giam đúng luật nhưng dư luận xã hội lại cho đó là không bình thường, vụ án… có vấn đề. Cho nên cần quy định chặt chẽ cụ thể trường hợp nào không cho tại ngoại, khi nào cần phải bắt giam.

Một thẩm phán TAND TP.HCM

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm