Cần tính lại thời điểm đấu giá đất 2 bên đường Vành đai 3 TP.HCM

(PLO)-  Kiểm toán Nhà nước cho rằng nếu đấu giá đất hai bên đường Vành đai 3 TP.HCM vào giai đoạn thi công thì giá sẽ thấp và khó tổ chức thành công.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Kiểm toán Nhà nước vừa có ý kiến về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3 – TP.HCM. Trong đó, cơ quan này đề nghị Chính phủ chỉ đạo TP.HCM làm rõ nhiều vấn đề...

Rà soát lại chi phí giải phóng mặt bằng

Theo Kiểm toán Nhà nước, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án có nêu đơn giá trung bình dự kiến đền bù đất dân cư trên địa bàn TP.HCM trong khái toán cao gấp 1,7 lần đơn giá đất thương mại dự kiến đấu giá. Cụ thể, TP.HCM sẽ tổ chức bán đấu giá các khu đất dọc theo dự án với giá dự kiến 15 triệu đồng/m2 trong khi giá đền bù đất dân cư trong công tác giải phóng mặt bằng là 26 triệu đồng/m2.

Dự án đường Vành đai 3. Đồ hoạ: Sở GTVT TP.HCM

Dự án đường Vành đai 3. Đồ hoạ: Sở GTVT TP.HCM

Cạnh đó, tại Bình Dương diện tích đất dân cư tính toán đền bù là 30 ha, trong khi thuyết minh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi là 18,78 ha (cao hơn 11 ha) và làm tăng chi phí giải phóng mặt bằng lên 1.677 - 3.920 tỉ đồng (giá đền bù tính toán tại Bình Dương là 15 – 35 triệu đồng/m2).

Ngoài ra, giá đền bù đất nông nghiệp tại Bình Dương đang được xác định trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cao gấp 6 lần các địa phương lân cận (trung bình giá đền bù đất nông nghiệp tại TP.HCM là 3,3 triệu/m2, Long An là 2,1 triệu/m2; Đồng Nai là 2,9 triệu /m2).

Trên cơ sở đó, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND TP.HCM và Bình Dương rà soát lại khái toán chi phí giải phóng mặt bằng để đảm bảo chính xác và phù hợp với thực tế.

Xem xét lại nguồn vốn cho dự án

Về nguồn vốn bố trí cho dự án, Kiểm toán Nhà nước cho rằng Hội đồng nhân dân các địa phương có nghị quyết cam kết bố trí vốn cho dự án. Tuy nhiên, theo Văn bản số 622/2022 của UBND TP.HCM thì nguồn vốn địa phương chủ yếu từ việc khai thác quỹ đất dọc hai bên tuyến đường của dự án.

Cạnh đó, các địa phương tập trung vốn nhiều vào giai đoạn 2023-2024, trong khi thời điểm này khó có thể tổ chức đấu giá đất thành công, hoặc đấu giá thành công với mức giá thấp do dự án đang trong giai đoạn thi công. “Vì vậy, để đảm bảo nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ngân sách địa phương một cách kịp thời cần có các giải pháp cụ thể, chủ động hơn…”- Kiểm toán Nhà nước nêu ý kiến.

Về hình thức đầu tư, Chính phủ sử dụng 100% vốn đầu tư công. Vì theo tính toán, nếu đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT, số tiền nhà đầu tư bỏ ra lớn (13.806 tỉ đồng) và thời gian thu hồi vốn dài, mất 28 năm nên được đánh giá không khả thi. Tuy nhiên, nếu chiếu theo dự án đường Vành đai 4 – Vùng thủ đô Hà Nội, suất đầu tư cao hơn 1,2 lần và lưu lượng phương tiện dự kiến chỉ bằng 0,8 lưu lượng vành đai 3, nhưng phương án tài chính của dự án này vẫn đảm bảo khả thi với thời gian thu phí chỉ 21 năm.

Từ phân tích trên, Kiểm toán nhà nước kính đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND TP.HCM rà soát lại phương án tài chính đảm bảo lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp.

Đối với cơ chế đặc thù cho dự án, Chính phủ đề xuất khi hoàn thành sẽ thu hồi vốn. Tuy nhiên, theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nếu huy động vốn BOT dự án cần tới 28 năm để thu hồi vốn. Như vậy, khi nhà nước đầu tư 100% vốn, với tổng số tiền lên đến 75.378 tỉ đồng (gấp hơn 5 lần) thì việc thu phí để hoàn vốn là khó khả thi.

“Mặt khác, nhà nước chưa có quy định cụ thể về thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ cao tốc bằng vốn ngân sách để làm cơ sở triển khai thực hiện. Đồng thời Chính phủ cần xem xét, xây dựng phương án thu phí cụ thể và có cơ chế phân chia nguồn thu phù hợp giữa trung ương và địa phương để đảm bảo tính khả thi, thu hồi hoàn trả vốn đầu tư…”- Kiểm toán Nhà nước cho hay.

Cuối cùng, Kiểm toán nhà nước đề nghị Chính phủ xem xét, cân nhắc lại cơ chế cho phép địa phương được nâng công suất các mỏ khoảng sản làm vật liệu thông thường cho dự án, bởi việc khai thác khoảng sản vượt sản lượng ghi trong giấy phép nhất thiết phải đánh giá tác động môi trường.

Chính phủ đề xuất đầu tư tuyến đường vành đai 3 dài 76,34 km. Điểm đầu tại địa phận huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai; điểm cuối thuộc địa phận huyện Bến Lức, Long An. Trong đó, đoạn qua TP.HCM dài 47,51 km; Đồng Nai 11,26 km; Bình Dương 10,76 km; Long An 6,81 km.

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự án là 75.378 tỉ đồng, trong đó chi phí thu hồi đất và tái định cư chiếm phần lớn với số tiền 43.589 tỉ đồng, chi phí xây dựng và thiết bị là 25.945 tỉ đồng… Dự án đầu tư bằng vốn ngân sách trung ương và địa phương, trong đó trung ương bố trí 50% tổng mức đầu tư ở các dự án thành phần trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai; 75% tổng vốn đầu tư các dự án thành phần địa bàn tỉnh Long An.

Để phù hợp với nguồn tiền, Chính phủ đề xuất dự án đầu tư tuyến chính cao tốc quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80km/h, với bề rộng mặt cắt ngang là 19,75 m. Đường song hành được làm hai bên qua đô thị, khu dân cư, quy mô mỗi bên từ hai đến ba làn xe.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm