Trao đổi vớiPháp Luật TP.HCM, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (Ban Giao thông), cho biết các địa phương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau trong các công việc trước và sau trình dự án.
Sơ đồ tuyến vành đai 3 TP.HCM. Đồ hoạ: Sở GTVT TP.HCM. |
Theo đó, một mặt các địa phương tiếp tục thực hiện một số nhóm công việc hoàn chỉnh hồ sơ, tài liệu dự án và những giải trình nội dung liên quan trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội.
Đồng thời, chuẩn bị các công tác triển khai ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. “Chúng tôi rất kỳ vọng Quốc hội sẽ ủng hộ và thông qua dự án này” - ông Phúc chia sẻ.
Theo ông Phúc, khâu bồi thường, GPMB – đây là khâu quan trọng nhất trong tiến độ dự án vành đai 3. Hiện các địa phương đã tiến hành thống kê, khảo sát để chuẩn bị các khu tái định cư cho bà con và hình thành bộ máy nhân lực để sẵn làm khi Quốc hội thông qua; cùng với các cơ chế được thông qua sẽ triển khai ngay dự án được thông qua. Theo đó, ngay từ bây giờ các địa phương đã tranh thủ thời gian, các phần công việc để từ nay đến cuối năm 2023 có thể khởi công dự án.
Thứ hai, tiếp tục rà soát, thống kê các mỏ vật liệu các thủ tục liên quan để đảm bảo cung cấp đầy đủ cát – đá – nguyên liệu, đảm bảo tiến độ xuyên suốt dự án.
Thứ ba, chuẩn bị bộ máy quản lý vận hành, trong đó là đảm bảo vai trò đầu mối của TP.HCM với các địa phương còn lại trong việc thống nhất từ tiến độ, quy mô, kỹ thuật, mặt cắt ngang và quy định liên quan. Theo đó, phấn đấu dự án sẵn sàng khởi công vào năm 2023, cơ bản thông xe vào năm 2025 và hoàn thiện đường song hành vào năm 2026.
Nút giao Tân Vạn - nút giao có quy mô lớn của tuyến vành đai 3. Ảnh: Sở GTVT TP.HCM. |
Ông Phúc cũng khẳng định: TP.HCM và các địa phương đã lường trước được bốn khó khăn trong việc triển khai dự án vành đai 3. Đầu tiên là đảm bảo nguồn vốn – hiện nay các địa phương và trung ương đã có sự cam kết mạnh mẽ nên đến nay có thể yên tâm về nguồn vốn cho dự án này.
Thứ hai, đối với công tác giải phóng mặt bằng, phải di dời tái định cư cho hơn 3.500 hộ dân, trong đó hơn 1.500 hộ dự kiến tái định cư tại chỗ, riêng TP.HCM chiếm 2.500 hộ. Theo đó, để đảm bảo tiến độ cho dự án thì các trình tự thủ tục, cơ chế đặc thù và tuyên truyền vận động cần triển khai để rút ngắn, mang lại hiệu quả.
Thứ ba là quản lý, điều hành dự án liên vùng trong các địa phương sao cho đồng bộ từ thiết kế, tiến độ thi công, khai thác sau này… Theo đó, chúng ta sẽ thành lập ban chỉ đạo liên vùng, tổ công tác chuyên môn và duy trì tổ công tác giao ban định kỳ và phối hợp thường xuyên giữa các địa phương với nhau.
Cuối cùng là nguồn nguyên vật liệu để phục vụ tuyến vành đai 3 là rất lớn, cùng một thời điểm. Theo đó, ngay từ bây giờ nguồn nguyên vật liệu cần được khảo sát kỹ càng để phục vụ dự án.
Dự án vành đai 3 giai đoạn 1 dài hơn 76,34 km, có vốn đầu tư sơ bộ khoảng 75.378 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường, tái định cư 41.589 tỉ đồng.
Dự án đầu tư bằng vốn ngân sách trung ương và địa phương, trong đó trung ương bố trí 50% tổng mức đầu tư ở các dự án thành phần trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai; 75% tổng vốn đầu tư các dự án thành phần địa bàn tỉnh Long An.
Dự án đầu tư tuyến chính cao tốc quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80km/h. Đường song hành được làm từ hai đến ba làn xe. Dự án cơ bản hoàn thành vào năm 2025, thông xe và sử dụng vào năm 2026, quyết toán 2027.