Giải phóng mặt bằng vành đai 3: Cần tạo sự đột phá

(PLO)- TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương nhận định công tác giải phóng mặt bằng cho đường vành đai 3 cần đi trước một bước nhằm tạo tiền đề thuận lợi cho các công việc tiếp theo.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An đã chuẩn bị quỹ đất tái định cư để ổn định cuộc sống cho các hộ dân chịu ảnh hưởng bởi dự án đường vành đai 3. các địa phương cũng kiến nghị Quốc hội (QH) cho phép chia dự án đường vành đai 3 thành các dự án thành phần, độc lập.

Kiến nghị chia làm tám dự án thành phần

UBND TP.HCM cho biết tuyến vành đai 3 có nhiều yếu tố phức tạp, ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức triển khai và thực hiện.

Do kinh phí đầu tư các dự án lớn, sử dụng kết hợp ngân sách trung ương và ngân sách địa phương nên công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), hỗ trợ tái định cư cần triển khai sớm.

Để đảm bảo tính hiệu quả, tiến độ của dự án, căn cứ các quy định của pháp luật, các địa phương đã đề xuất Chính phủ, QH phân chia dự án thành các dự án thành phần.

Theo đó, toàn bộ dự án sẽ được chia thành tám dự án thành phần. Mỗi địa phương sẽ thực hiện hai dự án thành phần gồm một dự án xây lắp và một dự án bồi thường GPMB, hỗ trợ tái định cư. Các dự án thành phần sẽ được triển khai hoàn thành đồng bộ theo tiến độ chung của toàn dự án.

Theo UBND TP.HCM, việc phân cấp cho các địa phương chủ động triển khai dự án thành phần trên địa bàn của từng địa phương có những thuận lợi nhất định.

Sơ đồ dự án đường vành đai 3 TP.HCM. Đồ họa: HỒ TRANG

Sơ đồ dự án đường vành đai 3 TP.HCM. Đồ họa: HỒ TRANG

Các vấn đề phát sinh như nguồn vật liệu, bãi đổ thải và các kiến nghị của người dân (nếu có) đều thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương. Việc giải quyết các vấn đề phát sinh này sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn, đồng thời giảm thời gian giải quyết, rút ngắn thời gian thực hiện dự án.

TP.HCM đã có đủ số liệu phục vụ công tác tái định cư

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết tuyến đường vành đai 3 là dự án rất lớn, riêng công tác GPMB chiếm hơn 50% tổng mức đầu tư. Thời gian triển khai dự án này là rất gấp. Để dự án cơ bản hoàn thành vào năm 2025, thì công tác bồi thường GPMB, hỗ trợ và tái định cư phải triển khai từ cuối năm 2022 và bàn giao mặt bằng vào cuối năm 2023.

“Chúng ta có hai năm để triển khai thi công và cơ bản hoàn thành dự án. Để hoàn thành dự án đúng như kế hoạch thì cần có giải pháp đột phá và có sự khác biệt trong công tác chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện so với những dự án thông thường trên địa bàn TP, các tỉnh đang thực hiện” - ông Lâm cho biết.

Theo đó, thời gian qua, song song với quá trình lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, các địa phương đã chủ động bắt tay ngay vào các công việc chuẩn bị liên quan đến công tác GPMB.

Hiện TP.HCM đã giao Sở TN&MT rà soát quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất của địa phương nơi dự án đi qua. Từ đó, xác định số hộ dân bị ảnh hưởng và đã dự kiến bố trí nền, căn hộ phục vụ tái định cư. Nhờ đó, đến thời điểm này, chúng ta đã cơ bản có đầy đủ số liệu phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án.

TP.HCM và các tỉnh cũng đã phối hợp xây dựng kế hoạch chi tiết. Trong đó, phân rõ trách nhiệm chủ trì, phối hợp, thời gian thực hiện, hoàn thành cho tổ chức, cá nhân.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện GPMB, các địa phương đã xin QH cho phép chỉ định thầu các gói thầu phục vụ bồi thường, hỗ trợ tái định cư như: Khâu chuẩn bị đo vẽ, cắm mốc, lập phương án và các gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật.

Giải phóng mặt bằng phải đảm bảo quyền lợi người dân

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định GPMB là khâu khó khăn nhất trong quá trình thực hiện dự án. Tuy nhiên, TP.HCM hiện đã hoàn thành kế hoạch GPMB trên địa bàn TP với tiêu chí GPMB phải gắn với đảm bảo quyền lợi của người dân.

Ngay khi QH thông qua, bí thư Thành ủy sẽ tổ chức hội nghị với các địa phương, các ngành liên quan để cuối năm 2023 cơ bản có mặt bằng thi công. Đối với các địa phương, TP.HCM cũng đã làm việc để đồng bộ đơn giá giữa các địa phương nhằm thống nhất phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách

Ông Mãi cho biết thuận lợi của TP.HCM là có quỹ nhà lớn để tạm cư cho người dân. Song song, TP cũng tích cực xây dựng các khu vục tái định cư ngay ở khu vực đó để người dân có thể định cư mà không phải di chuyển xa. Từ đó, người dân cũng thuận lợi trong phát triển sinh kế.

Một mặt, TP đưa giá bồi thường thỏa đáng, tái định cư thuận lợi để người dân ổn định cuộc sống. TP.HCM rất mong người dân vì mục đích chung để chia sẻ với chính quyền, sớm bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án.

Đối với việc chia các dự án thành phần, thì việc đồng bộ các dự án là rất quan trọng. Theo đó, việc GPMB làm sao phải đồng bộ về thời gian, tiến độ và cơ chế chính sách.

Tương tự, lãnh đạo tỉnh Long An cũng cho biết về diện tích Long An phải GPMB, cũng tính toán ảnh hưởng khoảng 50 ha. Trong khi chờ QH thông qua thì Long An đã chuẩn bị các bước kiểm đếm và thống kê cơ bản sẵn sàng để sau khi QH thông qua các chủ trương rồi các tỉnh triển khai. Dự kiến địa phương đã bố trí khu tái định cư để phục vụ người dân ở thị trấn Bến Lức.

Ông Võ Tấn Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết hiện nay Đồng Nai đã thực hiện công tác bồi thường GPMB bằng nguồn ngân sách của tỉnh. Dự kiến công tác bồi thường khoảng 651 tỉ đồng, diện tích đất thu hồi là 71 ha, số hộ dân ảnh hưởng khoảng 210 hộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm