Chỉ định thầu vành đai 3: Phải gắn với công khai, minh bạch

(PLO)- TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An đã thống nhất kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội xin cơ chế chỉ định thầu đối với một số gói thầu của dự án vành đai 3.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo UBND TP.HCM, Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội (QH) cho phép Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình thực hiện dự án vành đai 3. Các gói thầu được kiến nghị chỉ định thầu gồm: Tư vấn, phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật; thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư (TĐC) và áp dụng trong hai năm (2022-2023). Đối với các gói thầu xây lắp, sẽ tổ chức thực hiện đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn của vành đai 3 đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài 15 km đang được khai thác. Ảnh: ĐT

Đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn của vành đai 3 đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài 15 km đang được khai thác. Ảnh: ĐT

Sự cần thiết xin cơ chế chỉ định thầu

Theo UBND TP, sở dĩ Chính phủ kiến nghị QH cơ chế chỉ định thầu đối với các gói thầu nêu trên là do công tác chuẩn bị dự án sau khi QH quyết định chủ trương đầu tư phải trải qua nhiều khâu như lập, thẩm định, quyết định đầu tư; lập, thẩm định phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công của dự án thành phần; triển khai các gói tư vấn khảo sát, thiết kế và thi công xây dựng của công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật; xây dựng các công trình phục vụ bồi thường, hỗ trợ TĐC.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết: Về vấn đề đấu thầu các gói thầu dự án vành đai 3, cơ chế chỉ định thầu sẽ phải quy định “hàng rào kỹ thuật”, đó là hồ sơ yêu cầu về trình độ, năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu. Các nhà thầu bắt buộc phải đáp ứng mới được đưa vào danh sách để lựa chọn. Trình tự thủ tục chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Đề xuất này được TP.HCM tham khảo từ dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông đang triển khai và các dự án cấp bách mà TP đã triển khai. Theo phương án này, dự án sẽ rút ngắn được khoảng 2-3 tháng so với thực hiện theo quy trình đấu thầu và có thể triển khai đồng thời một số công tác để đảm bảo tiến độ.

Song song đó, TP.HCM và các tỉnh đã phối hợp xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai dự án ngay sau khi QH quyết định chủ trương đầu tư, trong đó có kế hoạch lựa chọn nhà thầu xây lắp, chuẩn bị kỹ hồ sơ mời thầu… Quá trình này phải đảm bảo khi đấu thầu sẽ hạn chế những tranh chấp, khiếu nại trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Tất cả đều được triển khai đồng bộ để đến cuối năm 2023 sẽ có mặt bằng và hoàn tất việc lựa chọn nhà thầu xây lắp để khởi công triển khai xây dựng công trình.

Cơ chế chỉ định thầu cho vành đai 3 sẽ phải quy định “hàng rào kỹ thuật”, đó là hồ sơ yêu cầu về trình độ, năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu.

Xây dựng tiêu chí về năng lực nhà thầu

Ông Trần Quang Lâm cho biết ngay sau khi QH quyết định chủ trương đầu tư dự án, TP.HCM và các địa phương sẽ trình Chính phủ nghị quyết về triển khai dự án.

Trong dự thảo nghị quyết của Chính phủ về triển khai thực hiện dự án, TP.HCM và các địa phương đang xây dựng một số tiêu chí. “Ở bước tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp, các địa phương sẽ đề xuất các tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm nhà thầu, kèm theo những điều kiện ràng buộc chặt chẽ, áp dụng các điều kiện thưởng phạt hợp đồng, các chế tài có liên quan nếu không đáp ứng đúng tiến độ dự án” - ông Lâm chia sẻ.

Theo ông Lâm, các tiêu chí này phải rõ ràng, chặt chẽ và coi đó như thước đo để xác định năng lực thực sự của các nhà thầu. Trong đó, các địa phương sẽ xem xét đến cả các yếu tố như: Nhà thầu đó tuy mạnh nhưng lại đang tham gia nhiều gói thầu tại cùng một thời điểm, vậy nhà thầu này có đủ năng lực huy động về máy móc, con người, kỹ thuật phục vụ dự án hay không?

Về chất lượng dự án, TP.HCM sẽ thống nhất với các tỉnh, thành lập tổ chuyên gia. Các địa phương sẽ mời những chuyên gia có kinh nghiệm về công tác quản lý, chuyên gia về kỹ thuật, vật liệu, chất lượng, pháp lý, tổ chức điều hành, thi công… để hỗ trợ cho các địa phương tổ chức triển khai thực hiện dự án một cách tốt nhất. Từ đó, đảm bảo chất lượng, tiến độ, hiệu quả, tránh những sai sót.

Bên cạnh đó, ngành giao thông sẽ áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến để thực hiện dự án (như mô hình BIM để quản lý dự án, giải pháp công nghệ…). Các địa phương có thể theo dõi thông tin về tiến độ, khối lượng dự án ở tất cả tỉnh, thành nhằm đảm bảo chất lượng, tiến độ, hiệu quả đầu tư dự án.•

Kiến nghị các vấn đề về vật liệu xây dựng dự án

Các địa phương đã kiến nghị QH về việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để thực hiện dự án.

Cụ thể, trong giai đoạn triển khai dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án. Việc khai thác mỏ khoáng sản quy định tại khoản này được thực hiện đến khi hoàn thành dự án.

Nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường; chịu sự quản lý, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng khoáng sản; nộp thuế, phí; thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.

Các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho dự án đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác, UBND tỉnh được phép quyết định nâng công suất (không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác), không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm