Cần tính toán thật kỹ phương án xây dựng cầu Cát Lái

(PLO)- KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia giao thông, cho rằng việc xây dựng cầu Cát Lái nối TP Thủ Đức với huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai phải thực sự đáp ứng nhu cầu giao thông và đúng ý nghĩa.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản đề nghị Văn phòng UBND TP.HCM sớm tham mưu lãnh đạo TP xem xét đề xuất 5 phương án xây cầu thay phà Cát Lái, nối TP.HCM - Đồng Nai.

Cần tính toán chi tiết

Trong 5 phương án được Sở GTVT TP trình UBND TP thì phương án thứ 4 được cho là tối ưu.

Cụ thể, cầu Cát Lái có điểm đầu tuyến nằm trên đường trục Bắc - Nam, tuyến đi về phía Đông, vượt qua Rạch Dĩa. Cầu cắt qua đường Nguyễn Lương Bằng và đi trùng với đường Hoàng Quốc Việt, cắt qua đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) vượt sông Đồng Nai sang xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai.

Có 5 phương án xây dựng cầu Cát Lái. Ảnh: ĐT.

Có 5 phương án xây dựng cầu Cát Lái. Ảnh: ĐT.

Sau đó, tuyến rẽ phải đi trùng vào đường quy hoạch kết nối với cao tốc Bến Lức Long Thành. Tổng chiều dài dự án hơn 13 km, trong đó chiều dài cầu hơn 3,5 km.

Sở GTVT cho biết đây là phương án được coi là khả thi nhất, có nhiều ưu điểm. Cách làm này cũng được Sở Quy hoạch và Kiến trúc đánh giá cao bởi dễ thực hiện công tác điều chỉnh quy hoạch và giải phóng mặt bằng.

Nhiều ý kiến trái chiều

Trao đổi với PLO, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng cầu Cát Lái có ý nghĩa từ chính cái tên của nó, kết nối từ Nhơn Trạch về khu vực cảng Cát Lái.

Khu vực phà Cát Lái có đông đúc người dân qua lại. Ảnh: ĐT.

Khu vực phà Cát Lái có đông đúc người dân qua lại. Ảnh: ĐT.

Theo đó, phương án 1, 2, 3 có ý nghĩa về mặt kinh tế cao hơn so với phương án 4,5. Nếu theo phương án 4,5 thì có thể bổ sung và làm khi có điều kiện.

KTS Nam Sơn cho rằng cầu Cát Lái không chỉ góp phần phát triển, kết nối vùng mà còn kết nối với các tuyến cao tốc phía Đông TP. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế biển, kết nối cảng Cát Lái với hai nhánh biển là tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, cảng Cái Mép Thị Vải và cảng Hiệp Phước.

Dù phương án 1,2,3 có nhiều khó khăn song KTS Nam Sơn cho rằng nên triển khai. Đối với phương án 4 và 5 cần tính toán kỹ lưỡng, để kết nối với khu vực nào thực sự cần thiết.

"Xây dựng cầu Cát Lái được cho là kết nối quan trọng hàng đầu không chỉ với TP.HCM và TP Thủ Đức mà có ý nghĩa với cả huyện Nhơn Trạch.

Theo đó, nếu kết nối cầu về quận 7 thì không thực sự đóng góp cho TP Thủ Đức hiện nay, đừng vì khó khăn mà đưa ra những phương án không đáp ứng nhu cầu phát triển của TP Thủ Đức và TP.HCM.

"Trường hợp có gặp khó khăn thì chúng ta cần tập trung nguồn lực để giải quyết chứ không nên né tránh. Nếu xây cầu dễ mà chưa thực sự cần đến thì nên tính toán lại" - KTS Ngô Viết Nam Sơn góp ý.

Trong khi đó, ông Bùi Trọng Quản, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM, lại ủng hộ phương án xây cầu qua khu vực quận 7. Lý do là khi cầu kết nối khu vực quận 7, đường Nguyễn Văn Linh sẽ giúp giảm kẹt xe với các tuyến đường kết nối cao tốc hiện nay. Đồng thời, cầu Cát Lái sẽ giúp kết nối với miền Tây, tạo động lực phát triển kinh tế cả vùng.

Phương án 1: Có hướng tuyến bắt đầu từ nút giao thông Mỹ Thủy trên đường vành đai 2 phía TP.HCM, đi dọc đường Nguyễn Thị Định, vượt sông Đồng Nai và hướng Tỉnh lộ 25B phía tỉnh Đồng Nai. Dự án này có chiều dài hơn 3.1 km.

Phương án 2: Hướng tuyến bắt đầu từ nút giao trên đường vành đai 2 tại vị trí cách đường dẫn cầu Phú Mỹ khoảng 1 km và cách nút giao Mỹ Thủy khoảng 2,3 km, đi dọc nhánh Kỳ Hà và vượt sông Đồng Nai sang xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Sau đó kết nối với cao tốc Bến Lức Long Thành. Tổng chiều dài tuyến hơn 10 km, trong đó chiều dài cầu là hơn 3.5 km.

Phương án 3: Hướng tuyến bắt đầu từ nút giao trên đường vành đai 2 tại vị trí cách cầu Bà Cua khoảng 300 m. Tuyến đi thẳng vào khu vực cổng Cát Lái và vượt sông Đồng Nai sang xã Đại Phước, Nhơn Trạch. Sau đó, rẽ phải đi trùng vào đường Tỉnh lộ 25B và kết nối vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Tổng chiều dài hơn 12 km, chiều dài cầu là 3.1 km.

Phương án 4: Có điểm đầu tuyến nằm trên đường trục Bắc - Nam, tuyến đi về phía Đông, vượt qua Rạch Dĩa, cắt qua đường Nguyễn Lương Bằng và đi trùng với đường Hoàng Quốc Việt, cắt qua đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) vượt sông Đồng Nai sang xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai. Sau đó, tuyến rẽ phải đi trùng vào đường quy hoạch kết nối với cao tốc Bến Lức Long Thành. Tổng chiều dài dự án hơn 13 km, trong đó chiều dài cầu hơn 3,5 km.
Phương án 5: Điểm đầu tuyến nằm trên trục đường Bắc - Nam, vượt qua Rạch Dĩa, đi theo đường trục quy hoạch kho B, cắt đường Huỳnh Tấn Phát, đi qua kho xăng dầu Nhà Bè, vượt sông Đồng Nai sang xã Phú Hữu, Phú Đông, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Sau đó, tuyến rẽ phải đi trùng đường quy hoạch và nối cao tốc Bến Lức - Long Thành tại cuối dự án. Tổng chiều dài tuyến gần 13 km, chiều dài cầu là 3,5 km.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm