Cẩn trọng khi xét tuyển đại học bằng điểm thi đánh giá năng lực

(PLO)- Bên cạnh điểm sàn, thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn đánh giá năng lực của các ngành học trong ba năm liền kề để có căn cứ lựa chọn nguyện vọng phù hợp.

Năm 2024 tiếp tục là năm có sức hút thí sinh (TS) lớn tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Chỉ tính riêng đợt 1 vừa qua, kỳ thi đã có hơn 93.000 thí sinh dự thi, cao nhất từ trước đến nay.

Đừng để vuột mất ngành học yêu thích

Thống kê về điểm số đợt 1 của ĐH Quốc gia TP.HCM, tỷ lệ TS có điểm cao giảm mạnh. Cụ thể như, đợt 1 này chỉ có 80 TS có điểm trên 1.000 (thang điểm 1.200), trong khi năm trước có đến 248 em (tính cả hai đợt). Hay như năm nay có 8.550 em điểm thi trên 800, còn ở năm trước có 11.332 em.

Chắc chắn số liệu năm nay sẽ còn thay đổi vì nhiều em vẫn còn cơ hội thi đợt 2 hoặc thi cải thiện điểm ở đợt 2, diễn ra vào ngày 2-6 tới. Tuy nhiên, TS dù thi đợt 1 hay cả hai đợt cũng chỉ có một đợt đăng ký nguyện vọng xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực nên không được chủ quan.

Theo ThS Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Tài chính Marketing, hiện nay các trường ĐH đã công bố ngưỡng chất lượng đầu vào (điểm sàn) nhưng TS không nên nhầm lẫn vì đây không phải là điểm sẽ trúng tuyển mà chỉ là mức điểm tối thiểu để TS nộp hồ sơ xét tuyển. Sau đó, tùy vào số lượng hồ sơ, nguyện vọng TS đăng ký, các trường sẽ xét và đưa ra mức điểm trúng tuyển.

Và mức điểm trúng tuyển này có thể bằng hoặc cao hơn điểm sàn, tùy số lượng hồ sơ đăng ký từng ngành học so với chỉ tiêu và phổ điểm thi từng năm.

Bà Phụng cũng lưu ý thêm, bên cạnh điểm sàn, TS nên tham khảo điểm chuẩn của ba năm gần nhất để có cơ sở đặt nguyện vọng phù hợp. Và khi lựa chọn nguyện vọng, trong cùng ngành học yêu thích, TS nên chọn hai trường có mức điểm trúng tuyển cao hơn điểm thi của bản thân từ 100-200 điểm, hai trường có mức điểm bằng điểm thi của mình và 1-2 trường có mức điểm thấp hơn hoặc cân nhắc thêm một số ngành học gần với ngành muốn học.

“Việc này sẽ giúp TS tăng cơ hội trúng tuyển hơn vì có hơn 100 trường xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực. Khi đó, có thể không trúng tuyển trường mình thích nhất thì cũng trúng tuyển vào ngành mình thích nhất” - Th.S Phụng khuyên.

Ngoài ra, Th.S Phụng cho rằng khi xét tuyển, TS nên xem xét kỹ thông tin tuyển sinh các trường, chỉ tiêu cho từng phương thức và xem trường đó chỉ xét điểm đợt 1, đợt 2 hay cả hai đợt thi cũng như cách tính điểm xét tuyển cho từng đợt để tránh nhầm lẫn.
Đồng thời, ngoài xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực này, TS không nên bỏ qua các phương thức xét tuyển khác để thêm cơ hội vào được ngành học yêu thích, như xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp THPT....

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực đợt 1 vừa qua. Ảnh: P.A

Top những ngành thường có điểm chuẩn cao chót vót

Theo thông tin công bố của các trường, năm nay các trường thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM tiếp tục dành chỉ tiêu lớn cho xét điểm thi đánh giá năng lực, trung bình từ 30-60% chỉ tiêu. Còn với các trường ngoài hệ thống, chỉ tiêu từ 5-25%.

Thống kê ba năm gần đây, lượng TS dự thi và xét tuyển ngày một tăng, phổ điểm thi nếu không nhiều thay đổi sẽ đẩy điểm trúng tuyển lên mức cao, nhất là những ngành hot, ngành trọng điểm ở các trường. Tuy nhiên, ở một số trường, điểm chuẩn cao còn do chỉ tiêu xét tuyển cho phương thức này thấp.

Cụ thể như ngành có điểm chuẩn cao nhất ở năm 2023 là ngành Khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) có mức điểm 1.035 và ngành Trí tuệ nhân tạo với mức điểm 1.001. Hai ngành đều thuộc Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). Trong đó, ngành Khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) ở năm 2022 cũng có điểm chuẩn lên đến 1.001 điểm. Các ngành ở nhóm ngành máy tính, công nghệ thông tin cũng thường dao động điểm chuẩn từ trên 800, 900.

Hay như tại ĐH Kinh tế TP.HCM (cở sở TP.HCM), do chỉ tiêu dành cho xét điểm đánh giá năng lực ít (chỉ khoảng 10%) nên điểm chuẩn nhiều ngành trong 2 năm qua ở mức cao. Như ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng của với mức điểm 985 điểm ở năm 2023 và 950 ở năm 2022. Các ngành khác cũng ở mức cao như Marketing, kinh doanh quốc tế, thương mại điện tử, kinh doanh thương mại, tài chính ngân hàng, Công nghệ tài chính, Khoa học dữ liệu …đều trên dưới 900 điểm.

Tại trường Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng tương tự khi hầu hết các ngành học hàng năm đều có điểm chuẩn trong top cao nhất nhưng điểm sàn trường đưa ra chỉ từ 600 điểm. Như ngành Trí tuệ nhân tạo có điểm chuẩn 970 ở năm 2023. Và cả 13 ngành học khác của trường 2 năm qua cũng đều trên 800 điểm.

Ngoài ra, một số ngành ở các trường khác cũng thường có điểm chuẩn cao ở năm 2023. Như ngành Y khoa của Khoa y – ĐH Quốc gia TP.HCM với 934 điểm; ngành Truyền thông đa phương tiện của Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM)...

Các ngành Marketing, kinh doanh, kiểm toán, kế toán, tài chính ngân hàng… của Trường ĐH Kinh tế Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng đều trên 800 điểm ở năm 2023.

Theo ĐH Quốc gia TP.HCM, năm nay có 97 trường ĐH và 8 trường cao đẳng sử dụng kết quả đánh giá năng lực để xét tuyển. Trong đó, có 66 đơn vị tham gia hệ thống xét tuyển chung của ĐH Quốc gia TP.HCM với 1.595 ngành/nhóm ngành/chương trình học.

Thời gian đăng ký xét tuyển kéo dài đến hết ngày 16-5. Riêng các đơn vị ngoài hệ thống này sẽ có hình thức đăng ký xét tuyển và thời hạn riêng (tùy theo kế hoạch của từng đơn vị).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới