Theo kế hoạch, thời điểm này, thí sinh đang thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ bằng điểm thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức.
Thời hạn kéo dài đến hết ngày 7-5 với các trường/khoa thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM, còn với các đơn vị ngoài hệ thống có thời hạn kéo dài hơn (tùy theo kế hoạch riêng của từng đơn vị).
Do đó, để thí sinh có thêm cơ sở xét tuyển cũng như giúp trường sàng lọc hồ sơ, các cơ sở đào tạo ĐH tại TP.HCM đã đưa ra các mức điểm sàn nhận hồ sơ cụ thể.
Nhìn chung, mức điểm sàn năm nay phổ biến dao động từ 600-700 điểm, thang điểm tối đa là 1.200.
Theo công bố mới nhất, mức điểm sàn các trường cụ thể như sau:
Trường ĐH Công Thương TP.HCM: Có ba mức điểm sàn, gồm: từ 700 điểm (ngành công nghệ thực phẩm, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin và marketing); 650 điểm (ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung Quốc, kinh doanh quốc tế, kế toán); 600 điểm cho các ngành còn lại.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng nhận hồ sơ từ 600 điểm.
Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM chỉ nhận hồ sơ xét điểm thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2024 từ 650 điểm trở lên (với cơ sở chính tại TP.HCM) và từ 600 điểm (phân hiệu Quảng Ngãi).
Trường ĐH Tài chính Marketing năm nay dành tối đa 25% chỉ tiêu của ngành đào tạo (theo từng chương trình đào tạo) cho xét kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Tuy nhiên, trường chỉ nhận hồ sơ xét tuyển từ 700 điểm.
ĐH Kinh tế TP.HCM (UEH) đưa ra 3 mức điểm sàn xét tuyển dựa trên kết quả thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM nhưng lưu ý là chỉ điểm thi đợt 1, năm 2024.
Theo đó, tại cơ sở chính TP.HCM sẽ có hai mức điểm sàn. Cụ thể, mức điểm tối thiểu 700 áp dụng cho các chương trình đào tạo như: Kinh tế chính trị, Công nghệ marketing, Công nghệ tài chính, Kinh doanh số, Robot và trí tuệ nhân tạo (hệ kỹ sư), Công nghệ Logistics (hệ kỹ sư), Điều khiển thông minh và tự động hóa (hệ kỹ sư),Công nghệ thông tin, Công nghệ nghệ thuật (Arttech), Khoa học máy tính, An toàn thông tin.
Các chương trình đào tạo còn lại có mức điểm cao hơn là từ 730 điểm.
Còn đối với các chương trình đào tạo tại Phân hiệu tỉnh Vĩnh Long (năm cuối luân chuyển Campus TP.HCM), mức điểm tối thiểu để nhận hồ sơ xét tuyển là 500.
Trường ĐH Ngoại thương năm nay nhận hồ sơ từ 850 điểm.
Học viện Hàng không, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM, Trường ĐH Văn Hiến nhận hồ sơ từ 600 điểm.
Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM dành 25% tổng chỉ tiêu cho xét điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và nhận hồ sơ từ 700 điểm.
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM nhận hồ sơ từ 650 điểm.
Riêng ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay dự kiến dành khoảng 45% tổng chỉ tiêu cho xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực này. Trong đó, Trường ĐH Công nghệ thông tin nhận hồ sơ xét tuyển từ 600 điểm trở lên.
Trường ĐH Bách khoa xét 60-90% trong hơn 5.100 chỉ tiêu cho phương thức kết hợp, dựa trên 3 thành tố: tiêu chí học lực (90%), thành tích cá nhân (5%) và hoạt động xã hội văn thể mỹ (5%). Riêng trong tiêu chí học lực sẽ có điểm của 3 thành phần: điểm học tập 6 học kỳ bậc THPT theo tổ hợp đăng ký xét tuyển, điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội hoặc ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2024.
Tuy nhiên, trường lưu ý, trọng số điểm đánh giá năng lực chiếm cao nhất với 75% và nhận hồ sơ xét tuyển từ 600 điểm trở lên (thang điểm 1.200) với bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Thống kê của ĐH Quốc gia TP.HCM, năm nay có đến 105 trường ĐH-CĐ sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực để xét tuyển, riêng bậc ĐH có 95 trường. Trong đó có 66 cơ sở đào tạo tham gia hệ thống xét tuyển chung với 1.595 ngành/nhóm ngành/chương trình học. Trong đó, 62 trường ĐH và bốn trường cao đẳng.
Khi đăng ký xét tuyển, thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng duy nhất, theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp.