Báo South China Morning Post đưa tin vào ngày 17-8 bà Mạnh Vãn Châu - vốn là Giám đốc tài chính tập đoàn thiết bị viễn thông Huawei (Trung Quốc) tham gia phiên điều trần dẫn độ được Tòa án Tối cao British Columbia (Canada) tổ chức qua điện thoại. Phiên điều trần này nhằm giải quyết các vấn đề liên quan hồ sơ của vụ án ngân hàng HSBC tố cáo Huawei lừa đảo khiến bà Mạnh bị bắt giữ vào năm 2018.
Trong phiên điều trần, đội ngũ pháp lý phía Huawei cho rằng vụ án dẫn độ nên được hủy bỏ vì việc bắt giữ là một quá trình lạm dụng quyền và lợi ích chính đáng của bà Mạnh.
Cụ thể hơn, các luật sư lên án việc các nhân viên biên phòng Canada đã giam giữ trái phép bà Mạnh trong ba giờ, thẩm vấn và thu giữ bằng chứng thay mặt cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).
Tòa án tối cao British Columbia (Canada). Ảnh: BLOOMBERG
Đồng thời, các luật sư phía bà Mạnh nói rằng việc xử lý các tài liệu chính thức liên quan đến vụ bắt giữ giám đốc điều hành Huawei có thể là "một chiến lược" và bác bỏ tuyên bố của tòa án Canada về việc các tài liệu vụ án phải được giữ tuyệt mật.
Bà Mona Duckett - một trong những luật sư của bà Mạnh - đã phát biểu rằng phía Canada không nên lạm dụng quyền chọn lọc thông tin để che giấu “hành vi sai trái” liên quan đến vụ bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei năm 2018.
“Vấn đề quan trọng nhất liên quan đến đặc quyền kiện tụng nằm ở việc lạm dụng quy trình. Sự riêng tư mà luật pháp tạo ra để bảo vệ luật sư không phải là phương tiện che chắn cho hành vi sai trái" - bà Duckett nói.
Ông John Gibb-Carsley - luật sư của chính phủ Canada đại diện cho quyền lợi của Mỹ trong vụ việc cho biết danh sách với 93.000 tài liệu bằng chứng ban đầu đã được rút ngắn chỉ còn khoảng 40 tài liệu.
Phía Huawei trích dẫn tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng ông có thể can thiệp vào vụ việc nếu nó giúp ích cho kinh tế của Mỹ, tố cáo rằng bà Mạnh là nạn nhân của một vụ truy tố chính trị giữa các quốc gia.
Vụ dẫn độ tổng thể đã được lên kế hoạch tiếp tục vào năm 2021, nhưng các kháng cáo có thể kéo dài quá trình này trong nhiều năm tiếp theo.
Cũng trong ngày 17-8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đề nghị Canada ngay lập tức trả tự do cho bà Mạnh. Ông Triệu khẳng định Trung Quốc quyết tâm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và công ty Trung Quốc ở nước ngoài, theo tờ China Daily.
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên. Ảnh: REUTERS
"Theo thông tin đã được tiết lộ, Mỹ và Canada đã lạm dụng hiệp ước dẫn độ song phương và tự ý thực hiện các biện pháp cưỡng ép đối với một công dân Trung Quốc. Điều này đã vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của bà Mạnh Vãn Châu" - ông Triệu phát biểu trong cuộc họp báo.
Ông Triệu nói rằng mục đích của Mỹ là trấn áp Huawei và các công ty công nghệ cao khác của Trung Quốc, và Canada "đang đóng vai trò đồng phạm".
"Đây là một sự cố chính trị nghiêm trọng. Chúng tôi một lần nữa đề nghị phía Canada xem xét nghiêm túc lập trường và mối lo ngại của Trung Quốc, sau đó ngay lập tức thả bà Mạnh trở về Trung Quốc an toàn càng sớm càng tốt” - ông Triệu nêu quan điểm của Trung Quốc.
Việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu đã làm rạn nứt quan hệ của Trung Quốc với Canada và Mỹ từ năm 2018. Các cáo buộc gian lận đối với bà Mạnh liên quan đến việc ngân hàng HSBC cho rằng bà đã lừa đảo các quan chức của HSBC, khiến ngân hàng này có nguy cơ vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.