Ông Tiến phân tích, quy định yêu cầu người thi chứng chỉ phải có kinh nghiệm 5 năm làm việc, nhưng những người qua 5 năm làm việc thì rất rành về công việc nhưng đã quên lý thuyết suông mà họ đã từng học. Trong khi người ra đề thi là các giảng viên chuyên đi dạy chứ không chuyên làm nghề, nặng về lý thuyết. Ai càng làm việc giỏi thì đi thi chứng chỉ càng dễ rớt! Lẽ ra nên để các hội nghề nghiệp soạn các đề thi này phù hợp với thực tế chứ cách làm đề thi như hiện nay e là không ổn.
Điều 13 của dự thảo quy định DN chỉ được đặt tên có cụm từ “dịch vụ kế toán” sau khi được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán. Nhiều đại biểu đều góp ý bỏ quy định này. Ông Tiến phân tích: khi lập DN, DN đã được đặt tên, được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN, sau đó DN mới dùng chứng chỉ hành nghề để đăng ký thêm Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán cho DN, có giấy này rồi thì phải xin đổi tên DN mới thêm được bốn chữ “dịch vụ kế toán”, như vậy là rất nhiêu khê, nhiều thủ tục mà không cần thiết, không có ý nghĩa.
Đặc biệt, các đại biểu cũng góp ý rằng dự thảo này phải làm rõ nội dung hoạt động dịch vụ kế toán là những hoạt động gì để tránh trường hợp DN hoạt động xong lại bị cơ quan quản lý bắt bẻ cái này không được làm, cái kia không phải dịch vụ kế toán... “Nếu hiểu dịch vụ kế toán chỉ là làm báo cáo tài chính cho DN, đứng tên kế toán trưởng thôi thì coi như chả có làm được gì cả!”, nhiều đại biểu thẳng thắn góp ý.