Cảnh báo các yếu tố 'bắt lửa' dẫn dắt chủ nghĩa khủng bố toàn cầu quay lại

(PLO)- Sau vài năm tương đối yên ả, chủ nghĩa khủng bố toàn cầu đang có nguy cơ bùng phát, và các yếu tố tạo ra hỗn hợp "bắt lửa" là nghèo đói, bị gạt ra ngoài lề xã hội và quản trị yếu kém.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tạp chí Foreign Policy dẫn báo cáo Chỉ số Khủng bố Toàn cầu (GTI) của Viện Kinh tế và Hòa bình (có trụ sở tại Úc) được công bố mới đây cho thấy năm 2021 thế giới mất 7.142 người trong các cuộc tấn công khủng bố, giảm so với năm trước và giảm 1/3 so với mức đỉnh năm 2015. Nhưng báo động là số vụ tấn công tăng 17% lên 5.226, con số cao nhất kể từ năm 2007, khi GTI bắt đầu thống kê.

Châu Phi cận Sahara đang là tâm điểm của chủ nghĩa khủng bố, với sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và nhóm Boko Haram. Các điểm nóng truyền thống như Trung Đông hoặc Đông Phi cũng không yên tĩnh.

GTI chỉ ra IS là nhóm gây chết chóc nhất, nhấn mạnh sự mở rộng của tổ chức này thông qua các chi nhánh ở Sahel của châu Phi đã biến khu vực đó trở thành trung tâm trỗi dậy của khủng bố. Số người chết do khủng bố ở đó tăng hơn 1.000% kể từ năm 2007 và gần một nửa số người chết do khủng bố trên toàn cầu năm ngoái xảy ra ở châu Phi cận Sahara, đặc biệt là ở Sahel. Số người chết do khủng bố ở Niger tăng hơn gấp đôi vào năm 2020 lên 588.

Sự gia tăng số nhóm khủng bố có quan hệ với al-Qaeda cũng góp phần biến châu Phi thành thiên đường khủng bố. Al-Shabab, chi nhánh của al-Qaeda đứng sau hầu hết 308 vụ tấn công khủng bố ở Somalia vào năm 2021. Việc này được cho là hậu quả của việc lực lượng gìn giữ hòa bình và an ninh của Mỹ và Liên minh châu Phi rút khỏi nước này trong cùng năm, cũng như bất ổn chính trị leo thang, sau quyết định của Quốc hội Somalia kéo dài nhiệm kỳ của chính phủ vô thời hạn.

Cảnh báo các yếu tố 'bắt lửa' dẫn dắt chủ nghĩa khủng bố toàn cầu quay lại ảnh 1
Lực lượng cứu hộ thu thập thi thể một thường dân thiệt mạng trong một vụ nổ ở Mogadishu (Somalia) ngày 12-1. Vụ nổ làm 8 người chết, 9 người bị thương, nhóm Al-Shabab nhận trách nhiệm. Ảnh AP/Farah Abdi Warsameh

Xét về các quốc gia bị ảnh hưởng do khủng bố, kể từ năm 2019, Afghanistan đã đứng đầu danh sách. Iraq và Somalia đã những nước tiếp theo. Pakistan tụt từ thứ tám xuống thứ 10 vào năm ngoái - nhưng hoạt động khủng bố ở nước này đang tăng, sau khi Taliban tiếp quản nước láng giềng Afghanistan vào mùa hè năm ngoái.

Một điều bất ngờ là việc Myanmar có tên trong danh sách. Chủ nghĩa khủng bố đã gia tăng ở quốc gia Đông Nam Á, khi số vụ tấn công tăng đột biến từ 25 vào năm 2020 lên 750 vào năm ngoái, khiến hơn 500 người chết. Cuộc tấn công tồi tệ nhất, do nhóm được gọi là Lực lượng Phòng vệ Nhân dân Yesagyo tiến hành, đã giết chết 30 binh sĩ vào tháng 8 năm ngoái. Báo cáo của GTI cho biết căng thẳng giữa quân đội và các nhóm chống chính quyền có khả năng dẫn đến bạo lực nhiều hơn, khi không bên nào sẵn sàng nhượng bộ.

Theo báo cáo GTI, các yếu tố lâu đời về nghèo đói, bị gạt ra ngoài lề xã hội và quản trị yếu kém đang những thứ tạo ra một hỗn hợp dễ bắt lửa, báo trước sự trở lại của chủ nghĩa khủng bố toàn cầu. Hay nói cách khác, sự phổ biến của chủ nghĩa khủng bố có liên quan đến các điều kiện kinh tế xã hội.

Báo cáo cho biết, các tổ chức khủng bố lợi dụng tình trạng thiếu thốn và bị cô lập để tuyển mộ thành viên. Ví dụ như IS hứa hẹn với thanh niên châu Âu bất mãn về “một cuộc sống mới và cơ hội mới”, trong khi Boko Haram đưa ra mức lương khổng lồ ở Sahel.

Các nhóm khủng bố cũng “mang lại cảm giác thân thuộc cho các cá nhân bị gạt ra lề xã hội", theo báo cáo.

Sự tàn bạo cực độ của IS, như đã thấy ở Iraq, được sử dụng để giữ chân những tân binh và thu hút những cá nhân bạo lực mới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm