Cảnh báo nhiều lô hàng chuối, xoài, sầu riêng... vi phạm về kiểm dịch thực vật

(PLO)-  Tiền Giang, Tây Ninh, Đồng Nai là ba tỉnh dẫn đầu danh sách bị các nước thông báo không tuân thủ yêu cầu kiểm dịch thực vật từ 2021 đến nay.

Sáng 23-8, Bộ NN&PTNT tổ chức “Hội nghị tăng cường quản lý nhà nước về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, tính đến nay đã có trên 50 tỉnh thành đã có mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu. Tổng số lượng mã số vùng trồng trên toàn quốc đã cấp là gần 7.000 mã số và cơ sở đóng gói là hơn 1.600 mã số, với sản phẩm rất đa dạng từ trái cây tươi, rau quả, lúa gạo đến chè, hồ tiêu, cà phê...

Tuy nhiên, lo ngại là các vi phạm về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là đối với các lô hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Chuối được bày bán tại siêu thị trong nước. Ảnh minh họa: AH

Theo Thứ trưởng Trung, căn nguyên của tình trạng này là việc kiểm soát tại gốc từ vùng trồng, cơ sở đóng gói chưa được quan tâm đúng mức, chưa thực hiện các quy trình kỹ thuật một cách nghiêm ngặt theo yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Cùng đó, các địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc giám sát sau khi được cấp mã số. Và xu hướng gia tăng bảo hộ sản xuất nông nghiệp đã được áp dụng ở nhiều quốc gia trong những năm gần đây.

Báo cáo cụ thể về tình trạng vi phạm, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, từ năm 2021 đến nửa đầu năm 2023, Cục này đã nhận được nhiều thông báo không tuân thủ về kiểm dịch thực vật từ các nước nhập khẩu. Các lô hàng vi phạm chủ yếu là mít, chuối, xoài, sầu riêng, chôm chôm, thanh long nhiễm các loài sinh vật gây hại như rệp sáp, ruồi đục quả. Trong đó, Tiền Giang có nhiều thông báo không tuân thủ nhất với 267 lần, sau là Tây Ninh với 204 lần, Đồng Nai có 186 lần.

Tính riêng 7 tháng đầu năm nay, đã phát hiện 370 lô hàng có đối tượng kiểm dịch thực vật, chủ yếu là chuối, thanh long, sau đó là xoài, sầu riêng, mít.

Riêng về mặt hàng sầu riêng, số lượng các lô hàng phát hiện ngày càng gia tăng. Cụ thể, có 12 lô hàng phát hiện có đối tượng kiểm dịch thực vật và không cấp giấy phép kiểm dịch thực vật, liên quan đến mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Ngoài ra, từ năm 2021 đến tháng 7-2023, Cục Bảo vệ thực vật cũng nhận được 107 cảnh báo về các lô hàng xuất khẩu không đáp ứng yêu cầy vệ sinh an toàn thực phẩm, như chứa nấm mốc, vi khuẩn, kim loại nặng, chất gây dị ứng, chất tạo màu không phép…

Cục Bảo vệ thực vật đã yêu cầu thực hiện truy xuất nguồn gốc và đề nghị cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tại các địa phương hỗ trợ giám sát quá trình này. Tuy nhiên, có tình trạng một số doanh nghiệp không phối hợp truy xuất nguồn gốc hoặc không hoạt động tại địa điểm đăng ký.

Đánh giá về những khó khăn, tồn tại ở các địa phương, Cục Bảo vệ thực vật đánh giá việc soát xét hồ sơ chưa đảm bảo, còn tình trạng sao chép hồ sơ giữa các vùng trồng, cơ sở đóng gói. Ngoài ra, một số vùng trồng chưa quản lý tốt sinh vật gây hại, hồ sơ, sổ sách ghi chép không đầy đủ…

Đối với tồn tại ở cơ sở đóng gói, còn nhiều cơ sở đóng gói không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của nhập khẩu. Tình trạng hồ sơ không đầy đủ, không cập nhật thường xuyên, tình trạng mượn mã số còn xảy ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới