Theo các bác sĩ, hiện khoa Cấp cứu đang điều trị cho hai bé bị ngạt nước nặng, có nguy cơ tử vong cao. Trong đó bệnh nhi LNVH (11 tuổi), ngụ Lâm Đồng, được gia đình đưa đến Bình Thuận chơi. Gia đình cho biết trong lúc tắm biển bé bị ngạt nước chỉ trong vài phút. Tuy nhiên, khi đưa lên bờ bé H. đã trong tình trạng lơ mơ. Sau khi được sơ cứu, đặt nội khí quản chống sốc, bệnh nhi được chuyển đến BV Nhi đồng 2.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhi LHMN (năm tuổi), ngụ Bình Dương. Bệnh nhi này được gia đình cho đi tắm ở hồ bơi trẻ em nhưng bé lại bị té vào hồ bơi người lớn. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, tiên lượng nặng, khó qua khỏi.
Dạy bơi cho trẻ để phòng tránh tai nạn đuối nước. Ảnh: M.PHONG
BS Đinh Tấn Phương, Phó khoa Cấp cứu BV Nhi đồng 1, chia sẻ một trong những tai nạn thường gặp nhất ở khoa Cấp cứu BV Nhi đồng dịp hè là đuối nước. Trong đó có đuối nước tại nhà, gần nhà và trong lúc đi chơi. Lý do các bậc phụ huynh vô tình đưa con trẻ rơi vào “bẫy nước” chính là sự quản lý bé chưa chặt chẽ. Không chú ý đến các ao hồ hoặc những ao nuôi cá tôm, chủ quan với những vật dụng chứa nước trong nhà.
Để phòng ngừa và hạn chế tối đa tử vong do đuối nước ở trẻ em, BS Phương hướng dẫn các phụ huynh khi gặp trường hợp đuối nước, việc nắm được thời gian trẻ ngạt nước trong bao lâu cực kỳ quan trọng. Sơ cứu ban đầu là điều quan trọng thứ hai quyết định sự sống còn của bệnh nhân.
Khi phát hiện trẻ bị đuối nước, tốt nhất người cứu phải biết bơi giỏi. Do quá hoảng loạn nên người đuối nước không kiểm soát được bản thân mình, nếu người cứu không bình tĩnh hoặc kỹ năng bơi lội kém sẽ dễ dẫn đến đuối nước tập thể. Trong trường hợp người cứu không biết bơi hay bơi yếu, cần dùng vật dụng nổi vứt ra cho trẻ làm phao, sau đó tìm cách vớt lên, đưa vào bờ từ từ và tiến hành sơ cứu.