Cảnh giác để tránh bị lừa tiền vào dịp cuối năm

Thời gian gần đây, tình trạng người dùng bị mất tiền khi cài đặt phần mềm độc hại diễn ra khá thường xuyên. Cụ thể, kẻ gian sẽ mạo danh là người của Bộ Công an hoặc các cơ quan chức năng yêu cầu người dân cài đặt phần mềm lên điện thoại để phục vụ công tác điều tra.

Khi bị dọa có liên quan đến các vụ án, tâm lý chung của mọi người sẽ cảm thấy hoang mang và lo sợ, từ đó dễ dàng làm theo các yêu cầu của kẻ gian.

Đánh cắp tiền bằng phần mềm gián điệp

Ngày 31-1, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, điều tra vụ giả danh cán bộ công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lên hơn 6 tỉ đồng.

Trước đó, ngày 26-1, chị M. (trú tại Hà Nội) trình báo việc nhận được cuộc điện thoại từ một đối tượng tự xưng là cán bộ công an. Người này cho biết đang điều tra vụ án ma túy liên quan đến chị M. và yêu cầu bị hại kê khai số tiền trong các tài khoản ngân hàng.

Sau đó, người này yêu cầu chị M. thay đổi điện thoại đang dùng sang sử dụng điện thoại hệ điều hành Android.

Lấy lý do “nhằm bảo mật thông tin tài khoản”, đối tượng yêu cầu chị M. tải và cài đặt ứng dụng mạo danh Bộ Công an có hình ảnh hiển thị công an hiệu và mang tên “Bộ Công an” (vn84app.apk”). Sau đó yêu cầu điền thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP… Đến khi chị M. phát hiện tài khoản ngân hàng của mình bị “bốc hơi” hơn 6 tỉ đồng, lúc này chị mới biết mình bị lừa.

Cơ quan công an cho biết ứng dụng vn84app.apk là phần mềm gián điệp, khi người dùng cài đặt lên điện thoại, chúng sẽ nghe lén cuộc gọi, thu thập danh bạ, đọc lén tin nhắn SMS… Sau khi có đầy đủ thông tin, kẻ gian sẽ đánh cắp tiền trong thẻ ngân hàng và chiếm đoạt các tài khoản quan trọng của nạn nhân như Gmail, Facebook…, từ đó tiếp tục thực hiện tiếp các phi vụ lừa đảo khác.

Người dùng chỉ nên truy cập vào các trang web chính thức của Bộ Công an và chuyển tiền thông qua các ứng dụng do ngân hàng phát triển.
Ảnh: TIỂU MINH

Giả mạo trang web của Công an TP Hà Nội

Ngày 1-2, Công an TP Hà Nội phát hiện trang điện tử giả mạo cổng thông tin điện tử của Công an TP Hà Nội có tên miền http://conganhanoivn.com.

Ngay sau đó, Công an TP Hà Nội khuyến cáo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân tuyệt đối không truy cập vào trang thông tin điện tử này.

Khi người dùng truy cập vào trang thông tin điện tử giả mạo và click vào mục “Phần mềm giám sát an toàn” nằm ngay trên giao diện trang chủ thì thiết bị của người truy cập sẽ tự động tải về tệp tin gắn mã độc “vn84app.apk”. Đây là mã độc mà chị M. đã bị dính và bị lừa bay mất 6 tỉ đồng như đã nói trên.

Khi được cài đặt lên các thiết bị thông minh, người dùng cũng sẽ bị nghe lén cuộc gọi, đánh cắp dữ liệu, danh bạ điện thoại, tin nhắn của người dùng. Trong đó có cả tin nhắn thông báo số dư tài khoản ngân hàng, mã OTP đăng nhập Internet Banking.

Công an TP Hà Nội khẳng định cổng thông tin điện tử của Công an TP Hà Nội chỉ sử dụng duy nhất tên miền https://congan.hanoi.gov.vn. Tất cả trang web khác có giao diện ghi Công an TP Hà Nội nhưng không có tên miền như trên đều là trang điện tử giả mạo.

Thời gian qua, Công an TP Hà Nội tập trung triệt phá các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Để phòng ngừa loại tội phạm này, Công an TP khuyến cáo người sử dụng Internet cần chú ý đọc các thông báo, cảnh báo của cơ quan chức năng.

Nhiều thủ đoạn lừa đảo mới

Để hạn chế bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng, người dùng không nên làm theo các yêu cầu từ người lạ, đặc biệt là việc cài đặt phần mềm từ bên ngoài, kể cả khi có người tự xưng là người của Bộ Công an hoặc các cơ quan chức năng.

Khi có nhu cầu chuyển tiền, người dùng nên truy cập trực tiếp vào trang web hoặc ứng dụng do ngân hàng phát triển. Người dùng nên hạn chế thực hiện các giao dịch trực tuyến trên những thiết bị công cộng (máy tính tại quán cà phê, sân bay…).

Người dùng tài khoản không bấm vào đường link (liên kết) do người lạ gửi đến, thậm chí kể cả khi đó là bạn bè (không loại trừ trường hợp tài khoản của bạn bè đã bị hack). Một lưu ý nữa là người dùng không cài đặt phần mềm từ các nguồn không rõ ràng.

Cơ quan điều tra, nhân viên ngân hàng không bao giờ yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân, tên tài khoản, mật khẩu… Do đó, khi gặp những yêu cầu kể trên, người dùng cần phải cảnh giác và trình báo cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, xử lý.

Ông VÕ ĐỖ THẮNG, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena 


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm