Tuy nhiên, với lượng khách tăng như vậy, Sa Pa đứng trước nguy cơ quá tải vào các cuối tuần, gây ra tình trạng đông đúc, chen lấn, ồn ào và rác thải... làm cho khách quốc tế mất hứng thú với điểm du lịch này.
Ngoài ra, việc đi lại nhanh chóng, thuận lợi hơn cũng có thể khiến du khách giảm thiểu thời gian lưu lại (nghỉ qua đêm, mua sắm, ăn uống...) tại Lào Cai.
Chương trình Phát triển Năng lực Du lịch có trách nhiệm với Môi trường và Xã hội (Dự án Eu - ESRT) đã cảnh báo trong báo cáo kỹ thuật về phát triển du lịch hành lang cao tốc Hà Nội - Lào Cai như trên.
Thách thức của Lào Cai là làm sao cân bằng giữa tăng số lượng khách và chất lượng dịch vụ khiến cho du khách chi tiêu nhiều hơn.
Ngoài Lào Cai thì các tỉnh hành lang của tuyến cao tốc như Phú Thọ, Yên Bái đang có nhiều thách thức trong thu hút du lịch, đặc biệt là việc “đô thị hóa, hiện đại hóa một cách lộn xộn” - báo cáo này đánh giá.
Nhu cầu của du khách đến các tỉnh này là muốn được ngắm nhìn nông thôn, ruộng lúa, ruộng bậc thang, đồi chè... Nhóm khách thích khám phá, thích trải nghiệm, hoạt động cũng muốn được đạp xe đạp xung quanh các điểm đến. Thế nhưng thực tế là làng Hùng Lô (tỉnh Phú Thọ) hoặc làng Ngòi Tu (Yên Bái) và các làng homestay ở rừng nguyên sinh Nà Hẩu (Yên Bái), thị trấn Bắc Hà (Lào Cai) bị đô thị hóa, các ngôi nhà cổ thì được hiện đại hóa.
Tuy nhiên, những chỗ cần có đường cho du khách trải nghiệm chạy xe đạp thì lại không có đường mòn. Ví dụ khách muốn đi xe từ Đền Hùng đến làng hùng Lô (Phú Thọ), đạp xe quanh hồ Thác Bà (Yên Bái)... Thậm chí du khách cũng không thể thuê được xe đạp hoặc thuyền mà phải dùng xe, thuyền do công ty du lịch tổ chức, kèm hướng dẫn viên đi theo vì không có các bảng chỉ dẫn cho du khách tự đi khám phá.