Cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ tiếp tục ngập, hạn chế phương tiện lưu thông

(PLO)- Nước lũ trên các sông tiếp tục lên cao gây ngập cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cửa ngõ phía Nam của Hà Nội.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Khoảng 9 giờ, sáng 11-9, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ tiếp tục bị ngập nước trở lại, với mực nước khoảng 40-50cm ở hai chiều. Lực lượng cảnh sát giao thông đang thực hiện điều tiết một số phương tiện ô tô có gầm thấp lưu thông về hướng quốc lộ 1.

Theo đó, người dân có thể chọn lộ trình để đi qua đoạn ngập nước như sau: Phương tiện đi từ Hà Nội chạy thẳng vào quốc lộ 1A, sau đó đi vào cao tốc tại nút giao Thường Tín. Phương tiện từ các tỉnh phía Nam vào Hà Nội thì ra ở nút giao Vạn Điểm (Km204, huyện Thường Tín) hoặc nút giao Thường Tín (Km193).

Nước ngập trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: CTV

Thực tế, nước tràn lên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ bắt đầu từ sáng 10-9, tại Km 191+200 thuộc địa bàn xã Văn Bình, huyện Thường Tín, với độ sâu 50 - 60cm, chiều dài khoảng 200m ở tất cả các làn. Tuy nhiên, đến trưa cùng ngày nước rút các phương tiện lưu thông bình thường.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguyên nhân nước tràn lên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ do nước lũ tại hạ lưu các sông dâng cao, lượng mưa trong khu vực lại lớn khiến việc tiêu thoát chậm. Vì vậy, giải pháp thoát nước cục bộ tại chỗ khó thực hiện.

Hiện lực lượng chức năng đang điều tiết giao thông trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Hiện lực lượng chức năng đang điều tiết giao thông trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ tại trạm thu phí. Ảnh: CTV

Theo lãnh đạo BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, việc cao tốc ngập nước được xem là “lịch sử”, bởi từ trước đến nay tuyến chưa bao giờ bị ngập.

Trước tình hình trên, chiều 10-9, lãnh đạo Cục Đường bộ đã trực tiếp kiểm tra và đề nghị nhà đầu tư cần nghiên cứu, đánh giá tổng thể khả năng thoát nước của công trình. Trường hợp phải giải quyết thoát nước tổng thể của khu vực phải rốt ráo làm việc với địa phương.

Trước mắt, Cục Đường bộ yêu cầu nhà đầu tư nghiên cứu bổ sung công trình thoát nước, nghiên cứu khả năng tiêu thoát nước nhờ các trạm bơm cưỡng bức của địa phương. Trường hợp không giải quyết được ngập, nhà đầu tư nghiên cứu cải tạo công trình bằng việc nâng cao độ nền đường một số đoạn thiết yếu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm