Cao tốc và tính mạng con người

(PLO)- Đêm 10-3, cao tốc Cam Lộ - La Sơn xảy ra vụ tai nạn giữa xe khách và xe tải làm hai vợ chồng trẻ thiệt mạng và nhiều người bị thương. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trước đó, ngày 18-2, cũng trên cao tốc này xảy ra vụ tai nạn thảm khốc làm ba mẹ con thiệt mạng...

Nguyên nhân vụ tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn vào đêm 10-3, theo cơ quan chức năng là do xe tải sau khi gặp sự cố không đặt cảnh báo; tài xế xe khách thiếu quan sát, không làm chủ tốc độ…

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng nếu hệ thống đèn chiếu sáng, làn dừng khẩn cấp… hoàn chỉnh thì chưa hẳn có những vụ tai nạn thảm khốc như thời gian qua.

Ngay từ tháng 10-2023, sau khi khảo sát, Bộ Công an đã có công văn cảnh báo gửi Bộ GTVT yêu cầu khắc phục những bất hợp lý về tổ chức giao thông trên tuyến cao tốc này với nhận định là “đoạn đường tương đương đường cấp III đồng bằng”. Bộ Công an cảnh báo: Với những đoạn không có dải phân cách cứng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông; những tuyến không có làn dừng khẩn cấp dễ dẫn tới nguy cơ cao gây tai nạn giao thông liên hoàn và ùn tắc khi có tai nạn...

Cách khác, Cam Lộ - La Sơn chưa là cao tốc đúng nghĩa vì chúng ta khó khăn, phải phân kỳ đầu tư, nó đã là nỗ lực rất lớn.

Tháng 3-2023, tại phiên họp về phương án dự kiến đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình; Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), Thủ tướng chỉ đạo: Cao tốc phải bảo đảm bốn làn xe hoàn chỉnh, phù hợp với tình hình và quy định; làm luôn một lúc đỡ tốn kém, không được để xảy ra tiêu cực, lãng phí…

Tuy nhiên, hiện chúng ta có quá nhiều tuyến, đoạn cao tốc đưa vào sử dụng, khai thác khi chưa hoàn chỉnh, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao. Thậm chí có những tuyến cao tốc đã hoàn chỉnh mỗi bên hai làn xe và có làn dừng khẩn cấp như cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây nhưng vẫn chưa thể gọi là hoàn chỉnh khi toàn tuyến này dài xấp xỉ 100 km qua hai tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai nhưng không có một trạm dừng chân nào mà lẽ ra phải đồng bộ khi đưa vào khai thác.

Cái bất hợp lý cả trăm kilomet không có trạm dừng chân để hành khách “giải quyết nỗi buồn” đã được đại biểu nêu tại nghị trường Quốc hội.

Và thực tế, vì không có trạm dừng chân, người tham gia giao thông cứ hạ cửa kính vứt rác vô tội vạ trên cao tốc, thành “mỏ” của những người nhặt ve chai mưu sinh. Thực tế là tối 9-3, một người đàn ông nhặt ve chai bị nạn trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vì mưu sinh bằng cách này.

Theo TCVN 5729:2012 áp dụng cho việc thiết kế đường cao tốc thì “trong trường hợp xét đến các phương án phân kỳ đầu tư, nhất thiết vẫn phải thiết kế tổng thể hoàn chỉnh cho tương lai để đảm bảo lợi dụng được đầy đủ các phần công trình đã được phân kỳ làm trước, đồng thời đảm bảo thiết kế phân kỳ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng ở giai đoạn sau…”.

Trên cả nước đã có bao nhiêu tuyến, đoạn cao tốc đầu tư theo phân kỳ đã làm theo đúng tiêu chuẩn này để tạo thuận lợi cho việc đầu tư mở rộng giai đoạn 2?

Chính vì vậy, một cán bộ ngành GTVT cho rằng chỉ đạo của Thủ tướng “làm luôn một lúc đỡ tốn kém” là chính xác. “Ngoài việc phải giải phóng mặt bằng để mở rộng; tiêu chuẩn bề rộng, chiều cao của dải phân cách tùy theo cấp đường cũng phải thay đổi và đặc biệt là một lần nữa phải mượn đường dân sinh để vận chuyển vật liệu rồi hoàn trả…” - vị cán bộ này chia sẻ.

Suy cho cùng thì cao tốc hoàn chỉnh hay chưa hoàn chỉnh khi đưa vào khai thác, sử dụng thì đều cần tính toán khoa học, an toàn bởi “tính mạng con người là trên hết”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm