TP.HCM có hai hệ thống sông chính là sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Phần lưu vực của sông Đồng Nai chảy qua TP.HCM bắt đầu từ quận 9 cho đến điểm giao nhau với sông Nhà Bè với tổng chiều dài 40 km.
Hiện nay, nguồn nước thô TP.HCM khai thác chủ yếu từ nước mặt gồm lưu vực sông Đồng Nai và lưu vực sông Sài Gòn. Tuy nhiên, chất lượng nước sông Đồng Nai đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Chính vì thế, TP.HCM đã có báo cáo gửi Bộ TN&MT về kết quả triển khai thực hiện đề án BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.
Xử phạt nhiều doanh nghiệp gây ô nhiễm
Trong năm 2019, Sở TN&MT TP.HCM đã thành lập bảy đoàn kiểm tra về việc chấp hành công tác BVMT của hơn 130 doanh nghiệp trên địa bàn TP. Trên cơ sở các trường hợp do Sở TN&MT kiểm tra, UBND TP.HCM và Sở đã ban hành nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT với số tiền hơn 5,8 tỉ đồng.
Sông Đồng Nai đang trở thành mối đe dọa đối với TP.HCM. Ảnh: TẤN THẠNH, NLĐO
Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an TP.HCM) cũng đã kiểm tra việc chấp hành BVMT, tài nguyên và an toàn thực phẩm của 235 doanh nghiệp trên địa bàn TP. Kết quả đã ban hành 118 quyết định xử phạt với tổng số tiền hơn 10 tỉ đồng.
Song song đó, thời gian qua TP.HCM đã triển khai có hiệu quả các dự án cải tạo, nạo vét, khai thông, duy tu, bảo dưỡng các hệ thống kênh rạch. Cụ thể, dự án duy tu, nạo vét luồng Soài Rạp; triển khai hoạt động vớt và xử lý lục bình, khơi thông dòng chảy trên các sông Đồng Nai, Sài Gòn, Vàm Cỏ Đông…
Ngoài ra, Sở TN&MT hiện đang triển khai nhập dữ liệu vào phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu môi trường. Đây sẽ là cơ sở dữ liệu dùng chung cho các đơn vị với các thông tin chính về môi trường của chủ nguồn thải như nước thải, khí thải, giấy phép môi trường, chất thải rắn…
Kiến nghị tăng cường kiểm soát nguồn thải
Để BVMT trong lưu vực sông Đồng Nai, UBND TP.HCM đã kiến nghị Bộ TN&MT xem xét, đề xuất Thủ tướng Chính phủ một số nội dung như giao các bộ, ngành liên quan kiểm tra, yêu cầu các đơn vị sản xuất, kinh doanh trực thuộc thực hiện tốt công tác BVMT và báo cáo định kỳ về chất lượng môi trường. Đồng thời, chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các tỉnh, thành giáp ranh địa giới hành chính giữa TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An... tăng cường phối hợp, thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp, kiểm soát nguồn thải ra sông, kênh rạch có yếu tố giáp ranh liên tỉnh…
Ngoài ra, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ TN&MT đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản vi phạm pháp luật, cụ thể là quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai; nghị định bảo vệ bãi sông, lòng bờ; nghiên cứu tích hợp việc cấp phép xả thải vào nguồn nước trong quá trình thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường để tránh chồng chéo…
Cuối năm 2019 và năm 2020 tới đây, TP.HCM sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, các cơ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị. Đồng thời, đôn đốc hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm hoặc di đời theo đúng thời hạn; tiếp tục triển khai việc thực hiện xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương… |